đối phó nổi. Trước tình hình đó, triều Nguyễn nhiều lần giao cho Ty Vũ Khố đúc các loại súng
đạn, đem cấp phát cho các tỉnh, hoặc giao cho một số tỉnh tự chế tạo vũ khí để dự trữ, nhưng
chưa được nhiều, hiệu quả chưa cao.
Như vậy, xây dựng quân đội luôn là vấn đề quan tâm của triều Nguyễn. Với kinh
nghiệm đã có trong thời kỳ xây dựng lực lượng quân sự chống phong trào Tây Sơn và trong
nửa đầu thế kỷ XIX, đất nước không có chiến tranh, quân đội triều Nguyễn được xây dựng
"tương đối hoàn chỉnh và thống nhất, có quân triều đình cơ động ứng chiến khắp nơi, quân các
tỉnh phòng thủ trên từng địa phương. Quân đội bao gồm nhiều binh chủng, trong đó bộ binh
và thủy binh được đặc biệt chú ý bên cạnh tượng binh và pháo binh. Sự hình thành các binh
chủng vừa đảm bảo sức đột kích, bảo đảm cơ động và bảo đảm phòng ngự”
23
.
Về vũ khí trang bị, quân đội thời Gia Long được trang bị khá mạnh, nhưng đến các
thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức thì giảm sút dần, do kinh tế, tài chính đất nước sút kém
và triều Nguyễn ít mở rộng quan hệ trao đổi với các nước, nên vũ khí trang bị cho quân đội
hầu như không thay đổi, chủ yếu vẫn là bạch khí. Phần lớn các loại vũ khí trang bị trong quân
đội triều Nguyễn còn rất lạc hậu, thiếu thốn. Một số vũ khí khi đem ra sử dụng ít hiệu quả, uy
lực không cao.
- Chế độ tuyển quân, huấn luyện và kỷ luật của quân đội. Đối với chế độ tuyển mộ vào
quân đội, cũng như lệ cũ của các triều đại trước, trên cơ sở kiểm tra nhân đinh và phân loại
đinh tráng trong cả nước, triều Nguyễn tiến hành tuyển đinh tráng sung vào quân đội. Thời
vua Gia Long, quy định chế độ tuyển quân tùy theo từng địa phương, trong đó từ Quảng Bình
đến Bình Thuận cứ ba suất đinh lấy một suất lính; từ phía nam Bình Thuận trở vào, ba suất
đinh lấy một suất lính và từ Hà Tĩnh trở ra đến năm trấn Bắc thành, bảy suất đinh lấy một suất
lính. Các tỉnh ngoại trấn Bắc thành (gồm Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hưng Hóa,
Quảng Yên, Lạng Sơn), cứ 10 suất đinh lấy một suất lính. Đối với gia đình 5 con trở lên mới
lấy một người sung vào quân đội. Tiếp đó, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức vẫn thực
hiện theo phép tuyển binh này.
Tháng 2 năm Bính Thân (1836), vua Minh Mạng quy định tuyển binh lính ở 4 tỉnh
(Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long và Định Tường) phải tuyển đủ quân, cứ 5 đinh tuyển lấy một
lính, khi tuyển xong, lập thành các quân hiệu. Gia Định giản binh mới và cũ (6.140 người) đặt
làm 10 cơ (Gia trung, Gia tả, Gia hữu, Gia tiền, Gia hậu, Định trung, Định tả, Định hữu, Định
tiền, Định hậu). Hai thủy cơ gồm Gia Định tả, Gia Định hữu. Biên Hòa gồm 1.810 người, đặt
làm hai cơ: Biên Hòa tả, Biên Hòa hữu, Vĩnh Long 5.400 người đặt làm 8 cơ (Vĩnh tả, Vĩnh
hữu, Vĩnh tiền, Vĩnh hậu, Long tả, Long hữu, Long tiền, Long hậu). Tiếp đó, tháng 6 năm
Bính Thân (1836), vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho Tuyên Quang tuyển binh lính. Dân hai
huyện Để Định và Vĩnh Điện, cứ 10 đinh đến tuổi trưởng thành (18 tuổi) lấy một suất lính; từ
Đường Âm đến An Quang gồm 13 xã có số đinh trên 260 người tuyển được 26 người. Đồng
thời, tuyển binh lính từ Quảng Bình đến Bình Định, cứ ba suất đinh lấy một suất lính, người
miền núi tuyển làm bộ binh, người miền biển tuyển làm thủy binh. Riêng Thanh Hóa tuyển