Tháng 2 năm Bính Thân (1836), triều đình quy định tổ chức cấp quân phục cho các cơ
binh Bắc Hà. Mỗi cơ 500 người, áo quần mỗi thứ 360 chiếc (áo dùng vải đen, lót trong vải đỏ,
cổ và tay áo đều viền đỏ, quần vải màu vàng), cứ ba năm được cấp quân phục một lần. Các
đội chánh phó quản cơ mặc áo chèn bằng nỉ, dạ màu đỏ hoặc màu thiên thanh, ngực thêu hoa
và chữ để phân biệt với cơ đội và các đạo tinh binh. Từ lãnh binh trở lên được mặc áo chèn,
năm thân bằng gấm và đội mũ hình đầu hổ.
Về xây dựng quân đội triều Nguyễn, tuy mỗi vua nhận thức đôi chỗ khác nhau, nhưng
nhìn chung đều chú ý đến việc thi cử, tuyển chọn, bổ dụng quan võ ở triều đình và các cấp.
Nhằm tuyển chọn người tài, vua Thiệu Trị ra lệnh Bộ Binh cùng thống quản quân thủy, sát
hạch suất đội các vệ quân thủy sư. Hai suất đội đạt hạng giỏi là Nguyễn Tình và Dương Đức
Sung là thủy sư ngoài Kinh đô được bổ chức Phó vệ uý.
Để đào tạo nhân tài, hằng năm, triều Nguyễn đặt lệ thi võ. Năm Đinh Mão (1807), vua
Gia Long cho mở khoa thi võ đầu tiên. Cũng như thi văn, thi võ gồm: thi hương, thi hội và thi
đình. Các kỳ thi được tổ chức theo định kỳ với các môn: cử tạ, cầm thương nhảy đâm hình
nộm, côn quyền, bắn súng. Những người vượt qua các bài thi vòng một tùy số điểm được cấp
bằng tú tài võ, hoặc cử nhân võ. Nếu muốn có bằng cao hơn là phó bảng, hay tiến sĩ võ khoa
(tạo sĩ), các cử nhân võ phải qua vòng thi thứ hai thi đấu với nhau về chiến lược, chiến thuật.
Các thí sinh trúng tuyển thi hương, thi hội võ được bổ chức suất đội. Tú tài võ được bổ tòng
thất phẩm suất đội; cử nhân võ bổ chánh thất phẩm suất đội; phó bảng võ bổ chánh lục phẩm
suất đội.
Về đào tạo quan võ còn có hai trường Anh Danh và Giáo Dưỡng chuyên dành cho con
em quan võ. Những người học tại hai trường này được bổ chức từ đội trưởng trở lên (tòng thất
phẩm). Tháng 9 năm Mậu Thân (1848), triều Nguyễn mở khoa thi võ ở Kinh đô Phú Xuân.
Vua Tự Đức chuẩn y, võ sinh vào thi theo từng kỳ cứ giảm bớt dần, nhất trường bị liệt không
được vào kỳ đệ nhị, nhà trường liệt không được vào kỳ đệ tam. Đến kỳ phúc hạch, trước đây,
mỗi thí sinh bắn 3 phát súng điều thương là hơi ít, nên mỗi kỳ thi 2 ngày và phúc hạch 1 ngày;
mỗi kỳ đều cách nhau một ngày. Tháng 5 năm Canh Tuất (1850), triều Nguyễn mở khoa thi
Hương về võ ở Kinh đô (đúng kỳ là năm Kỷ Dậu (1849) nhưng hoãn); trong đó có 33 người
đậu, lưu giữ 5 người.
Nhằm thực hiện chế độ tuyển chọn nền nếp, ổn định, vua Tự Đức định lệ cứ 3 năm
một lần lựa bổ các lính Anh Danh, Giáo Dưỡng vào ngạch võ quan. Tiếp đó, vua Tự Đức cho
mở khoa thi tiến sĩ võ, lấy đỗ tiến sĩ và phó bảng, bổ chức chánh phó quản cơ. Các cử nhân võ
đỗ ở các khoa thi Hương Hà Nội, Thanh Hóa, Thừa Thiên, Bình Định, Gia Định đi tập sự ít
năm được bổ đội trưởng. Còn các thí sinh đã qua kỳ đệ nhất, đệ nhị, đệ tam thì tùy tài nghệ
được tuyển ngay vào thân binh, cấm binh, hay tinh binh làm thập hay ngũ trưởng. Những lính
thường có quân công được thưởng tiền, thưởng phẩm hàm và có khi được thăng đến chức cao
như đề đốc Tạ Hiển.