chọn 100 người khỏe mạnh ở huyện Tống Sơn làm lính hai đội nhất, nhị trấn giữ đồn bảo
Trấn Nam.
Đối với các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, cuối năm Đinh Mùi (1847), vua Thiệu Trị
chuẩn y cho tỉnh Nam Định tuyển lính, cứ 7 đinh lấy 1 lính, lập thành 2 đội Định Uy Nhị và
Định Uy. Bên cạnh việc thực hiện chế độ tuyển lính theo quy định hàng năm, triều Nguyễn có
thể ra lệnh hoãn đối với những địa phương gặp khó khăn về kinh tế, đời sống. Tháng 4 năm
Canh Tuất (1850), vua Tự Đức ra lệnh hoãn việc tuyển binh lính ở bốn tỉnh Nghệ An, Hà
Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình đến năm Ất Mùi (1855), do các tỉnh này bị thiên tai, thiệt hại
lớn, phải sau một thời gian dài mới có thể khắc phục được hậu quả do bão lụt gây ra, từng
bước ổn định đời sống của nhân dân.
Thời hạn tại ngũ của binh lính tuyển ở Nam Kỳ và các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra Bắc là 10
năm, tuyển ở các tỉnh Trung Kỳ là 15 năm. Hạn tuổi phục vụ trong quân ngũ là 50 tuổi. Binh
lính nào hết hạn quân ngũ đăng ký xin ở lại thêm vài năm cũng được chấp nhận. Những binh
sĩ từ 50 tuổi trở lên, khi giải ngũ được miễn trừ tất cả lao dịch. Đối với những người mãn hạn
quân ngũ, nếu trong thời gian tại ngũ phẩm hạnh tốt, không đào ngũ, khi trở về quê được miễn
trừ một nửa sưu thuế và miễn tạp sai, tạp dịch.
Thời Nguyễn cũng thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông” phân chia binh lính theo
ban, thay thế nhau về quê tham gia sản xuất. Vua Gia Long chia binh lính làm ba ban thay
phiên nhau, hai ban về quê sản xuất, một ban ở lại quân ngũ huấn luyện, lo phòng thủ. Hằng
năm, mỗi người lính có 8 tháng ở nhà sản xuất và 4 tháng tại quân ngũ. Đến thời vua Tự Đức,
binh lính chia làm hai phiên, một nửa tại ngũ, một nửa ở quê, đến hết kỳ đổi phiên, tất cả phải
có mặt lúc cần thiết. Cùng với lính tuyển, thời các vua Minh Mạng, Tự Đức còn có lính mộ.
"Minh Mạng năm thứ hai định rằng: các vệ, các đội có mộ lính, chuẩn cho vệ lấy 10 đội, đội
lấy 50 tên làm định hạn”
24
. Thời vua Tự Đức quy định: người nào mộ được 500 lính trở lên sẽ
thưởng chức quản cơ (chánh tứ phẩm), mộ được 300 lính thưởng chức cấm binh chánh đội...;
mộ được 20 lính thưởng chức tòng thất phẩm. Những người tuyển mộ lính phải chịu trách
nhiệm, nếu quân lính bỏ trốn, người chỉ huy bị phạt nặng hay nhẹ theo mức độ số lượng người
bỏ trốn. Việc thực hiện chế độ tuyển lính được thực hiện theo quy định của triều Nguyễn như
vậy, góp phần bảo đảm cho quân đội duy trì quân số ở mức cần thiết.
Về trang phục quân đội triều Nguyễn, tuy sử sách và tư liệu hiện thời thấy được đề cập
rất hạn chế, nhưng qua đó cũng đủ cho thấy trang phục của các võ quan, binh lính nhà Nguyễn
khá thống nhất, càng về sau càng được quy định rõ ràng theo phẩm hàm, chức tước. Các cấp
khi chỉ huy, binh lính mặc khi xuất trận, thao diễn, hay dịp đại lễ tùy theo thứ bậc.
Binh lính có một áo vải đen trong lót vải vàng, tay chẽn, một dây lưng (gọi là khố)
bằng lụa đều thắt cuốn ngang lưng, đầu đội nón tròn sơn đỏ có chóp gọi là nón dấu, chân cuốn
xà cạp. Loại quân phục này, cứ 5 năm cấp một lần (đến vua Tự Đức kéo dài 6 năm cấp một
lần). Đối với loại quần áo thường, mỗi năm cấp 2 bộ.