thành Bình Thuận gồm: 8 cỗ hồng y cương pháo, 4 cỗ phách sơn cương pháo, 10 cỗ quá sơn
đồng pháo.
Để nắm tình hình phòng thủ các tỉnh thành, đồn bảo, tháng 4 năm Kỷ Hợi (1839), vua
Minh Mạng truyền chỉ cho các đốc, phủ, bố, án và lãnh binh các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa,
Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Sơn Tây, Bắc Ninh kiểm tra thực trạng đồn thú
của quản vệ, do Kinh phái đến năm 1835, phân bố tốt xấu tâu lên triều đình.
Cùng thời gian này, triều Nguyễn lệnh cho tỉnh Hà Nội điều động 500 lính cơ Trấn
Ninh, do một quản cơ phụ trách, gồm 400 người đến đóng giữ tỉnh thành Ninh Bình và 100
binh lính đóng giữ phủ thành Thiên Quan (trước đó là 100 lính), mỗi tháng thay phiên nhau
một lần canh giữ.
Tháng 9 năm Mậu Tuất (1838), triều Nguyễn đổi 4 đội Ninh Tráng nhất, nhị, tam, tứ
làm cơ Ninh Tráng ở Ninh Bình. Hai đội Thuận Tráng nhất, nhị ở Bình Thuận, một đội làm
đội Tuần Thành, một đội làm đội pháo thủ nhất, đội pháo thủ cũ đặt làm đội pháo thủ nhị. Đội
Bắc dũng ở Thái Nguyên (trước có 9 đội). Lấy ba đội Long Tráng nhất, nhị, tam ở Vĩnh Long,
bổ sung làm các đội tam, tứ, ngũ thuộc cơ Vĩnh Long nhất (trước có hai đội). Triều Nguyễn
đặt quan đề đốc thủy quân và 15 thủy vệ (trước có 4 vệ), do một quan đô thống cai quản. Mỗi
vệ có hơn 500 người, chia làm 3 doanh trung, tả, hữu. Mỗi doanh đặt một viên chưởng vệ.
Đầu tháng 10 năm Kỷ Hợi (1839), triều đình cấp 3 cỗ du sơn pháo và 70 viên đạn cho quân
thứ Tôn Thất Bật ở Thanh Hóa. Du sơn pháo bằng đồng, nòng súng có hai đoạn dễ tháo rời,
tiện mang vác khi vận chuyển. Tiếp đó, triều đình điều động binh lính ở Kinh đô đến đóng giữ
ở các địa phương: vệ trung doanh Hổ Uy đóng tại Gia Định; vệ Trung bảo nhất đóng ở An
Giang; hai vệ bảo nhất, tiền hậu và doanh Long Võ đóng ở thành Trấn Tây; vệ Hùng Nhuệ tả
đóng ở Thanh Hóa, Nghệ An; vệ tả nhị quân Vũ Lâm đóng ở Nam Định, Hưng Yên; vệ kỳ Võ
nhất đóng ở Sơn Tây, Ninh Bình; vệ Kỹ võ nhị đóng ở Hải Dương và Bắc Ninh.
Bộ binh điều hai suất đội cùng 100 lính thủy đến đóng ở Nam Định và 50 binh lính, do
một suất đội phụ trách tới đóng ở Hải Dương. Triều đình nhà Nguyễn ra lệnh cấm dân gian
không được tự chế tạo, mua bán súng điểu thương và các loại vũ khí khác, vì lo sợ dân chúng
nổi dậy chống phá triều đình. Cùng thời gian này, triều đình Huế ra lệnh cho quan tỉnh Bình
Thuận tuyển binh lính của địa phương lập thành vệ, cơ. Số binh lính dư thừa ra khoảng 260
người được lập thành vệ Hữu Thủy Bình Thuận và đặt một phó vệ uý cai quản.
Vua Minh Mạng ra lệnh cho bộ binh, đồn nào đóng gần ở nơi trọng yếu cần tuyển
chọn 50 binh lính đến đóng giữ, đồn trọng yếu vừa phải có 30 lính đóng giữ, đồn bình thường
là 20 binh lính đóng giữ. Theo lệ hằng năm, triều đình Huế ra lệnh cho các quan tỉnh Nghệ
An, Thanh Hóa, mỗi tỉnh cử 500 binh lính, do một quản vệ cai quản đến đóng giữ Nam Định
và Hưng Yên để đàn áp đạo Giatô nổi dậy chống lại triều Nguyễn. Đồng thời, thành lập vệ
Phòng Hải ở Thuận An (Huế). Phủ Thừa Thiên tuyển chọn 190 đinh tráng ở ven biển, chia
làm 4 đội là tứ ngũ, lục, thất. Mỗi đội đặt một chánh đội trưởng, một suất đội, hai đội trưởng