Mở đầu
Lịch sử Việt Nam từ năm 1428 (Lê Lợi lên ngôi vua, khôi phục tên nước là Đại Việt)
đến năm 1858 (thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta) được gắn liền với sự tồn tại của các
thể chế phong kiến cầm quyền kế tiếp nhau, gồm: Lê Sơ, Mạc, chúa Nguyễn, vua Lê - chúa
Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn. Đây là thời kỳ Đại Việt xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc
trong hòa bình, ổn định xen với những thời kỳ nội chiến, tranh giành quyền lực "sinh tử" giữa
các tập đoàn phong kiến, gây nên bao cảnh đau thương tang tóc hao người, tốn của cho nhân
dân (nội chiến Nam - Bắc triều, phân tranh Trịnh - Nguyễn); kèm theo đó là những cuộc khởi
nghĩa và chiến tranh nông dân dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh địa phương nổi dậy chống lại
các thế lực phong kiến thống trị phản động, mưu cầu bình yên, thống nhất đất nước, ổn định
đời sống cho nhân dân liên tiếp diễn ra trên nhiều địa bàn lãnh thổ của đất nước. Trong đó
đỉnh cao nhất của phong trào nông dân diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XVIII do các thủ lĩnh Tây
Sơn tổ chức và lãnh đạo đã nhanh chóng phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc
quy mô rộng lớn, không chỉ đánh dẹp các tập đoàn phong kiến cát cứ Nguyễn, Lê - Trịnh, lập
nên triều Tây Sơn, mà còn lần lượt đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của quân Xiêm (Thái
Lan) ở phía Nam, quân Thanh ở phía Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc tạo tiền đề trực tiếp
cho công cuộc thống nhất đất nước. Nhưng do những bất đồng của nội bộ anh em nhà Tây
Sơn, đặc biệt nhất là khi Quang Trung - Nguyễn Huệ đột ngột qua đời, tập đoàn phong kiến
Nguyễn đứng đầu là Nguyễn Ánh đã cầu cứu tư bản Pháp và được Pháp giúp sức lật đổ triều
Tây Sơn, lập nên triều Nguyễn - triều đại phong kiến chuyên chế cuối cùng ở Việt Nam.
Với tiến trình lịch sử như vậy, dưới góc độ chuyên ngành lịch sử tư tưởng quân sự,
chúng tôi chỉ đi sâu vào tìm hiểu về một số nội dung liên quan đến tư tưởng quân sự "hệ thống
quan điểm, luận điểm của cá nhân, giai cấp, chính đảng về quân sự và các vấn đề liên quan
đến quân sự như: quan hệ giữa chiến tranh và quân sự, chiến tranh và hòa bình, chính trị với
quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quốc phòng và tiến hành chiến tranh, nghệ
thuật quân sự"
1
- của các triều đại phong kiến (có khi là của các tập đoàn phong kiến thống trị
trên một vùng lãnh thổ nhất định, trong khoảng thời gian nhất định). Nói một cách khác, đây
là những quan điểm tư tưởng quân sự mang tính định hướng, chỉ đạo có tính chiến lược cơ
bản, nhất quán về xây dựng quân đội, khởi nghĩa và chiến tranh, xây dựng quốc phòng bảo vệ
Tổ quốc... của các triều đình phong kiến (trong đó có những nhà tư tưởng quân sự tiêu biểu
đại diện cho mỗi triều đại), nhằm xây dựng, bảo vệ quyền lợi cho chính cá nhân, giai cấp cầm
quyền, tiếp đến là lợi ích quốc gia, dân tộc... Đây cũng chính là những nội dung được làm rõ
trong tập II (1428- 1858) bộ Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam.