Chương I
TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ TỪ NĂM 1428 ĐẾN NĂM 1527
I- TÌNH HÌNH ĐẠI VIỆT THỜI LÊ SƠ
1. Vương triều Lê Sơ thành lập
Cuối năm Đinh Hợi (1407), sau gần một năm dồn sức chiến đấu trong mối tương quan
lực lượng không cân sức, cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhà Hồ thất bại. Từ đây,
phong kiến nhà Minh trực tiếp đô hộ nước ta. Với bản chất hung bạo và thâm độc, chúng
không chỉ duy trì ách thống trị tàn bạo, cướp bóc tài nguyên, nhân tài mà còn thực thi chính
sách hủy diệt và đồng hoá dân tộc Việt. Không cam chịu mất nước, nhân dân ta trên khắp mọi
miền đã vùng lên chống lại chính quyền đô hộ. Từ trong bão lửa của phong trào đấu tranh yêu
nước, cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi khởi phát ở đất Lam Sơn nhanh chóng phát triển thành
phong trào giải phóng dân tộc lan rộng trên quy mô khắp cả nước. Sau 10 năm anh dũng chiến
đấu (1418-1427), nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại chủ
quyền đất nước, khôi phục nền độc lập dân tộc.
Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), tại thành Đông Đô (Thăng Long), Lê Lợi
chính thức lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt. Từ
đây, quyền trị vì đất nước thuộc về nhà Lê, thường gọi là Hậu Lê để phân biệt với nhà Tiền Lê
(980-1009). Nhà Hậu Lê cầm quyền 360 năm (1428-1788), là vương triều tồn tại lâu nhất
trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Vương triều Lê Sơ (1428-1527) là thời kỳ đầu của
nhà Lê với các đời vua: Lê Thái Tổ (1428-1433); Lê Thái Tông (1433-1442); Lê Nhân Tông
(1442-1459); Lê Nghi Dân (1459-1460); Lê Thánh Tông (1460-1497); Lê Hiến Tông (1498-
1504); Lê Túc Tông (1504-1505); Lê Uy Mục (1505-1509); Lê Tương Dực (1510-1516); Lê
Chiêu Tông (1516-1522); Lê Cung Hoàng (1522-1527).
Trong thời kỳ hình thành và bước đầu phát triển của vương triều, với ánh hào quang
của chiến công đánh thắng quân xâm lược nhà Minh, giành lại nền độc lập dân tộc, Lê Thái
Tổ sau khi lên ngôi nhanh chóng xác lập được quyền lực và thu phục nhân tâm tạo nên sức
mạnh đoàn kết toàn dân trong công cuộc khôi phục và dựng xây đất nước sau chiến tranh.