Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam từ năm 1428 đến năm 1858 là thời đoạn lịch sử đã lùi xa
vào quá khứ, nguồn tư liệu là vô cùng hạn chế, nhất là các tư liệu thành văn - vấn đề rất trọng
yếu của việc thực hiện các công trình nghiên cứu về tư tưởng quân sự nói chung và lịch sử tư
tưởng quân sự nói riêng; do vậy, khi biên soạn, chúng tôi phải dựa trên cơ sở phương pháp
quy nạp - tức là phải thông qua thực tế diễn biến lịch sử để khái quát nên những quan điểm,
luận điểm tư tưởng quân sự cho từng triều đại phong kiến gắn với từng thời kỳ lịch sử. Theo
đó, trên cơ sở những tư liệu, sự kiện có được từ triều Lê (thường gọi là Lê Sơ) đến triều
Nguyễn, tập II sẽ khái quát nên những quan điểm tư tưởng quân sự cốt yếu của các triều đại
phong kiến về xây dựng quân đội, tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh, xây dựng quốc phòng
bảo vệ Tổ quốc... Mục đích và yêu cầu đặt ra là như vậy, song do những hạn chế rất cơ bản
nêu trên, chúng tôi chỉ hy vọng đóng góp được một số nội dung cơ bản ban đầu - với ý nghĩa
như một hướng mở cho một lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành còn rất mới mẻ này. Thực hiện
được như vậy, tập II sẽ đóng góp một phần trong việc tìm hiểu, nghiên cứu một cách có hệ
thống vấn đề lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam trong tiến trình lịch sử xây dựng đất nước,
bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.
Theo phân kỳ tiến trình lịch sử Việt Nam, nội dung của tập II được bố cục thành 4
chương. Tuy nhiên, trên thực tế, về thời gian ấn định cho một số chương có chỗ không tương
thích với sự tồn tại của các triều đại (hay thế lực) phong kiến cầm quyền (ví dụ: chương III đề
cập về Tây Sơn được bắt đầu từ năm 1771, nhưng mãi đến năm 1778 triều đình Tây Sơn mới
ra đời;...); do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, chúng tôi quyết định lấy chính thời gian ấn
định cho từng chương làm thành phần chính cho tên chương.
Dù đã có rất nhiều cố gắng, song đây là một chuyên ngành mới, nguồn tư liệu cũng
như năng lực và kinh nghiệm chuyên môn của đội ngũ cán bộ biên soạn còn hạn chế, nên
cuốn sách khó tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định trên cả phương diện nội dung cũng
như phương pháp thể hiện.