Trong 6 năm cầm quyền (1428-1433), ông đã đặt nền móng và củng cố vững chắc nền độc lập
dân tộc; xây dựng chính quyền, lập lại trật tự kỷ cương, an ninh xã hội; thực hiện nhiều chính
sách tích cực nhằm hồi phục nền kinh tế, khắc phục những hậu quả của thời thuộc Minh, đặt
những viên đá tảng đầu tiên cho sự phát triển của vương triều mới trên mọi lĩnh vực. Các đời
vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông tiếp tục giữ vững thành quả và từng bước đưa đất nước đi
lên. Trong 44 năm tiếp theo dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) và Lê Hiến
Tông (1498-1504), trên nền tảng vững chắc được xây dựng từ các triều vua trước, Đại Việt có
bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Nhưng sang thế kỷ XVI, từ đời vua Lê Uy Mục trở đi,
triều Lê Sơ dần suy yếu, đến năm Đinh Hợi (1527) thì bị nhà Mạc giành quyền thống trị.
Một thế kỷ xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện khu vực Đông Nam Á vẫn
xảy ra những cuộc chiến tranh, lại thường xuyên phải chịu những áp lực chính trị từ đế chế
phong kiến Trung Hoa ở phương Bắc, các cuộc cướp phá, xâm lấn của Chămpa ở phía Nam
và của Ai Lao ở phía Tây, nhưng Đại Việt vẫn vững vàng phát triển. Với khí thế quật khởi của
một dân tộc tự cường, với tầm nhìn chiến lược, tư duy năng động, sáng tạo và nhiều chủ
trương phương lược đúng đắn của vương triều Lê Sơ, quốc gia Đại Việt không chỉ nhanh
chóng phục hồi mà còn có những bước phát triển mới với nhiều thành tựu rực rỡ trong phát
triển kinh tế, văn hóa, ổn định xã hội và trở thành một quốc gia cường thịnh bậc nhất ở Đông
Nam Á thời bấy giờ, có ảnh hưởng lớn đối với các nước trong khu vực.
2. Khái quát tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội
a) Chính trị - xã hội
Trên cơ sở lãnh thổ quốc gia thống nhất bao gồm toàn bộ vùng Bắc Bộ đến bắc đèo
Hải Vân, những người sáng lập vương triều Lê Sơ và các thế hệ nối tiếp luôn nêu cao tinh
thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường nhằm bảo vệ và xây dựng một quốc gia thống nhất và
ngày càng vững mạnh.
Về thể chế chính trị:
Lê Sơ là một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ngày càng phát triển với một
bộ máy hành chính thống nhất, chặt chẽ từ trung ương đến tận làng xã.
Sau khi lên ngôi năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi chia đất nước thành 5 đạo: Đông đạo,
Bắc đạo, Nam đạo, Tây đạo và Hải Đông đạo. Dưới đạo là các trấn, lộ, phủ, huyện, châu, xã.
Đứng đầu mỗi đạo là chức hành khiển trông coi mọi việc quân, dân chính và tư pháp; đứng