Cả năm cánh quân sau khi vượt biên giới, cùng lúc tiến vào Kinh đô Lạn Xạng, nhanh
chóng chiếm Kinh thành và tổ chức truy đuổi quân Ai Lao đến tận vùng biên giới Diến Điện.
Quốc vương Ai Lao là Tia Ka Phát bỏ chạy về phía tây. Nhưng rồi trước dũng khí kiên cường
chiến đấu bảo vệ đất nước của quân và dân Ai Lao (có nơi họ đã bỏ thuốc độc xuống giếng
nước ăn hòng giết hại quân nhà Lê; Hoàng tử Thèn Kham cũng khẩn trương tập trung lực
lượng, tổ chức phản công quân nhà Lê...) khiến quân nhà Lê phải nhanh chóng rút quân về
nước.
Tháng 10 năm Hồng Đức thứ 10 (Kỷ Hợi - 1479), Lê Thánh Tông giao cho Quận công
Lê Niệm chỉ huy 30 vạn quân tiến sang trừng phạt Bồn Man. Trước đạo quân hùng hậu của
nhà Lê, Cầm Công thấy không thể chống cự nổi phải bỏ chạy và chết ngay sau đó. Lê Niệm
cho quân lính đốt phá thành trì, tiêu huỷ hết lương thực, của cải tích trữ của người Thái khiến
Bồn Man phải cử người đứng ra xin hàng. Triều đình nhà Lê phong cho một người trong dòng
họ Cầm là Cầm Đông làm Tuyên úy đại sứ để cai quản người Thái, nhưng đặt quan phủ huyện
trấn trị và kiềm chế cai quản chặt chẽ hơn trước.
Vậy là công cuộc quật khởi của Bồn Man và công cuộc khôi phục lại một vùng đất đã
bị sáp nhập vào Đại Việt của nước Ai Lao bị thất bại hoàn toàn. Đất Bồn Man trong suốt thời
Lê Sơ là phủ Trấn Ninh gồm 7 huyện của nước Đại Việt, do họ Cầm thế tập làm tù trưởng
dưới sự kiềm chế của những viên quan phủ do triều đình cử đến giám sát. Từ chỗ tù trưởng họ
Cầm tự xin nội phụ, triều Lê đã dần sáp nhập hẳn đất Bồn Man vào lãnh thổ Đại Việt. Đây
chính là nguyên nhân gây ra những cuộc xung đột ở biên giới phía Tây giữa giai cấp thống trị
hai nước trong suốt thế kỷ XV.
Từ những diễn tiến trong quan hệ với các quốc gia nói trên chúng ta thấy tư tưởng đối
ngoại quân sự của nhà nước Lê Sơ nổi lên một số vấn đề sau:
Mục đích của chính sách ngoại giao trong thời kỳ đầu của vương triều là xác lập chủ
quyền và vị thế của quốc gia đối với các nước xung quanh, nhất là đối với triều Minh, nước
luôn có ý đồ xâm chiếm và cai trị nhân dân ta. Đồng thời phải tạo ra được môi trường thuận
lợi để đất nước sinh tồn và phát triển, trong đó việc ngăn ngừa các cuộc chiến tranh, giữ vững
và bảo toàn lãnh thổ được đặt lên hàng đầu.
Như vậy phải trải qua một cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh với kẻ thù mạnh
hơn gấp bội trong hàng chục năm mới giành lại được chủ quyền cho đất nước, độc lập tự do
cho dân tộc, nên những người đứng đầu nhà nước Lê Sơ luôn nhận thức một cách sâu sắc về
chủ quyền quốc gia, nền hoà bình và sự toàn vẹn của cương vực lãnh thổ. Lê Thái Tổ cùng
các tướng lĩnh, quan lại của mình đã tìm nhiều giải pháp buộc triều đình nhà Minh phải công
nhận quyền đứng đầu quốc gia Đại Việt của dòng họ Lê. Phải qua hàng chục năm đấu tranh
gay gắt, đến năm Đinh Tỵ (1437), triều đình Lê Sơ mới đạt được kết quả như mong muốn.
Triều đình nhà Minh từ chỗ chỉ chấp nhận phong Lê Thái Tổ là "Quyền thự An Nam quốc
sự” đã phải phong “An Nam quốc vương" cho Lê Thái Tông vào năm Đinh Tỵ (1437), quan