LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM - TẬP 2 - Trang 63

Mường Viễn, năm Đinh Ty (1437), sang cướp phá châu Mã Giang và châu Mộc (Sơn La ngày
nay). Những cuộc tiến quân này đều bị quân nhà Lê đánh lui.

Từ năm Mậu Ngọ (1438), do dần ổn định và phục hưng được đất nước, nên Ai Lao

không những từ bỏ việc triều cống cho nhà Lê, mà còn thường gây hấn, quấy phá biên giới
Đại Việt, những cuộc xung đột vũ lực giữa hai bên liên tiếp xảy ra: Năm Kỷ Mùi (1439), 3
vạn quân Ai Lao do Nữu Hoa chỉ huy tràn vào biên giới Đại Việt cướp phá châu Phục Lễ, bị
vua Lê Thái Tông trực tiếp cầm quân đánh bại. Năm Đinh Hợi (1467), vua Lê Thánh Tông sai
Hành tổng binh Khuất Đả đem hơn 1.000 quân phát hợp với quân đồn thú trấn Gia Hưng đánh
Ai Lao đòi lại động Cư Lộng.

Đến năm Tân Mão (1471), sau sự kiện vua Lê Thánh Tông cầm quân tiến đánh bắt

được vua Chămpa và chiếm một phần lãnh thổ của quốc gia này nhập vào Đại Việt, thì Ai Lao
cũng như một số quốc gia lân cận khác đều nể sợ, phải cho sứ sang triều cống. Nhưng vài năm
sau, Ai Lao lại phối hợp cùng Bồn Man xuất binh đánh sang biên giới phía Tây Đại Việt hòng
chiếm lại phủ Trấn Ninh.

Bồn Man là bộ lạc người Thái thuộc Ai Lao do người dòng họ Cầm thay nhau làm hào

trưởng. Bộ lạc này nằm tiếp giáp với biên giới phía tây và có mối quan hệ lâu đời với các bộ
lạc người Thái của Đại Việt. Dưới các đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Bồn Man vẫn
thường sang triều cống nhà Lê. Tháng 7 năm Đinh Mão (1447), Bồn Man sai sứ mang voi và
lễ vật sang cống và xin với vua Lê Nhân Tông được nội thuộc vào Đại Việt. Năm Mậu Thìn
(1448), nhà Lê chính thức sáp nhập đất Bồn Man vào Đại Việt và đổi thành châu Quy Hợp
thuộc phủ Lâm An. Dòng họ Cầm vẫn truyền nối nhau được phong chức tước và cai quản bộ
lạc của mình như cũ. Năm Bính Tý (1456), nhà Lê phong Cầm Công làm Trấn viễn thượng
tướng quân và ban thưởng cho áo đoạn màu hồng dệt hoa kim tuyến, mũ cao sơn, đai thếp
bạc, yên ngựa, ghế dựa, án thư... Đến đời Lê Thánh Tông, châu Quy Hợp được đổi thành phủ
Trấn Ninh, gồm bảy huyện và bắt đầu đặt quan phủ huyện nhưng quyền lực vẫn thuộc về dòng
họ Cầm. Dù vậy, nếu đến kỳ mà họ Cầm không chịu nộp cống phẩm, thì triều đình nhà Lê lập
tức phái quân lên chinh phạt. Ví như, năm Canh Thìn (1460), họ Cầm không tiến cống, ngay
cuối năm ấy, triều đình Lê cử Thái phó Lê Lựu, Thái bảo Lê Lăng thống lĩnh một đạo quân
lên trấn áp.

Năm Kỷ Hợi (1479), Ai Lao cùng với Bồn Man lại mang quân đánh sang biên giới

phía Tây Đại Việt, quyết chiếm lại vùng đất Trấn Ninh. Cuộc chiến giữa quân nhà Lê với liên
quân Ai Lao - Bồn Man đã diễn ra.

Trước hiểm họa của đất nước, ngày 7 tháng 6 năm Hồng Đức thứ 10 (Kỷ Hợi - 1479),

vua Lê Thánh Tông hạ chiếu chinh phục Bồn Man. Ngày 22 tháng 7, Thánh Tông hạ chiếu
đánh Ai Lao. Theo đó, ngày 23 tháng 8, một đạo quân gồm 18 vạn, được chia làm năm mũi
bắt đầu xuất phát tiến đánh sang Ai Lao.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.