những điều kiện chính trị, kinh tế để triều đình Mạc đầu tư thành một trung tâm kinh tế, chính
trị, văn hóa lớn ở ven biển. Tại vùng Dương Kinh, nhà Mạc đã cho đào đắp, nắn uốn một loạt
các dòng kênh để thuận tiện đi lại, dẫn nước vào đồng; mặt khác tiến hành đắp đê Chân Kim,
đê Kinh Điền (vùng Kiến Thụy, An Lão thuộc Hải Phòng)... Sự phát triển của vùng trung tâm
Dương Kinh kéo theo sự khởi sắc của các huyện xung quanh như Tân Minh, Vĩnh Lại, Thủy
Đường (vùng Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên thuộc Hải Phòng), Thanh Lâm
(Thanh Hà thuộc Hải Dương) với nhiều công trình xây dựng, mở mang (ngày nay còn lại một
loạt dấu tích như thành lũy, kênh triều, bãi, đê, đường mang tên nhà Mạc ở vùng An Lão,
Thủy Nguyên).
Tuy nhiên, thời gian yên bình đó không kéo dài; bởi, ngay từ khi ra đời, nhà Mạc đã
phải lo đối phó với thế lực Lê - Nguyễn Kim ở phía Nam, tiếp đó là cuộc nội chiến triền miên
đã tác động xấu đến đời sống của nông dân làng xã, tàn phá và kìm hãm sức sản xuất nông
nghiệp.
Bên cạnh đó, dưới thời Mạc, thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng có sự chấn hưng
một bước. Đây vốn là những ngành, nghề truyền thống quen thuộc gắn liền với lợi thế của
điều kiện tự nhiên, môi trường vùng châu thổ sông Hồng - địa bàn căn bản của họ Mạc, nổi
bật nhất là sản xuất gốm, sứ và tơ lụa. Các làng sản xuất gốm sứ từ các thế kỷ trước như có
sức bật mới, vươn lên với hai trung tâm: Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) và Chu Đậu (Thái Tân,
Nam Sách, Hải Dương). Trong thời gian này dẫu tình hình chính trị của Đại Việt hết sức phức
tạp, không thuận lợi cho việc duy trì, mở rộng quan hệ bang giao, trao đổi mậu dịch chính
thức giữa nhà Mạc với các nước trong khu vực và quốc tế, nhưng thông qua con đường giao
thương dân gian, cùng với gốm, sứ đã có một lượng lớn tơ lụa được đưa tới Malắcca bởi
người Cochinchinese
1
.
Các vua triều Mạc đặc biệt chú trọng giáo dục và thi cử Nho học. Trong hơn 60 năm
tồn tại, nhà Mạc đã tổ chức 22 kỳ thi Hội, tuyển chọn được 485 tiến sĩ các hạng, trong đó có
13 trạng nguyên (mặc dù chỉ chiếm 7% về thời gian, nhưng về số lượng đã chiếm tới 16% số
tiến sĩ, gần 28% số trạng nguyên song toàn bộ lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam từ năm
1075 đến năm 1919). Hai năm sau ngày thành lập, triều Mạc tổ chức kỳ thi đầu tiên (1529).
Từ đó hầu như đều đặn 3 năm một lần, nhà Mạc tổ chức kỳ thi Hội. Trong khi cùng thời, mãi
đến năm 1554 chính quyền Lê - Trịnh mới đặt chế khoa và đến năm 1580, mới bắt đầu tổ
chức thi Hội. Vậy là, sau triều đại Lê Thánh Tông (1460-1497) thì chỉ duy có triều Mạc tổ
chức được các kỳ thi Hội đều đặn như vậy.
Từ Mạc Đăng Dung đến các vua về sau vẫn chủ yếu dựa vào giáo lý đạo Khổng, vào
kết quả thi cử Nho học để hoạch định chính sách và tuyển dụng quan lại các cấp. Chính sách
và các hoạt động văn hóa, giáo dục tích cực của triều Mạc đã tiếp tục kích thích, lôi cuốn và
định hướng lập thân cho đông đảo sĩ tử Đại Việt, góp phần tạo ra cho triều Mạc nói riêng, Đại
Việt nói chung những trí thức Nho học, những nhà giáo dục xuất sắc như Nguyễn Bỉnh