LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM - TẬP 2 - Trang 74

Khiêm, Nguyễn Thiến, Giáp Hải... Cũng chỉ dưới thời nhà Mạc, lần đầu tiên, duy nhất trong
lịch sử, thi cử Nho học cấp cao nhất ở Đại Việt đã xuất hiện nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ

2

.

Với quá trình tổ chức thi cử và các hoạt động thực tế trên, chứng tỏ dưới triều Mạc,

Nho giáo luôn được đề cao, là tư tưởng chính thống, rường cột của hệ thống chính trị quân
chủ. Nho giáo tiếp tục đóng vai trò độc tôn trong giáo dục khoa cử của Đại Việt.

Ngay từ khi nhà Mạc lên nắm quyền, rồi triều Lê Trung hưng thành lập, đất nước bị

chia cắt, trí thức Nho học buộc phải đối mặt trước sự kiểm nghiệm nguyên tắc chính danh và
lòng trung thành của kẻ thần tử: hoặc chống lại nhà Mạc, hoặc đi theo nhà Mạc. Chọn cách
đầu tiên không nhiều, chỉ có một số trí thức Nho học hàng đầu từ cuối thời Lê Sơ như Trạng
nguyên Lại bộ Thượng thư Trình Khê hầu Vũ Duệ, Bảng nhãn Ngô Hoãn, Tiến sĩ Đàm Thân
Huy. Trong khi đó hàng loạt trí thức trưởng thành cuối thời Lê Sơ, sang thế kỷ XVI lại chọn
cách thứ hai, vượt qua nguyên tắc tối thượng được tiếp nhận từ kinh điển Nho giáo "Trung
thần bất sự nhị quân” đã đi theo nhà Mạc như: Hoàng giáp Vũ Hữu, Trạng nguyên Nguyễn
Giản Thanh, Bảng nhãn Hứa Tam Tỉnh, Thám hoa Trần Phỉ, các Tiến sĩ Nguyễn Mậu, Đào
Nghiễm, Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Trọng Hiền. Trong số 56 đại thần được phong đợt đầu tiên
như là những công thần khai sáng triều đại không chỉ là quan lại cũ triều Lê mà tuyệt đại là kẻ
Nho học (văn quan). Song mặt khác của cách hành xử này là: không ít các bậc đại thần của
triều Mạc lại chạy vào Thanh Hóa theo nhà Lê - Trịnh như Lê Bá Ly, Lê Khắc Thận, Nguyễn
Khắc Thiến; ngược lại, cũng có nhiều trí thức Nho học từ triều Lê - Trịnh chạy sang phụng sự
triều Mạc: Nguyễn Quyện, Nguyễn Miền; hoặc lúc theo Mạc, lúc quay về với Lê -Trịnh:
Nguyễn Khải Khang, Đặng Huấn...

Như vậy, trên thực tế, hệ thống trụ cột căn bản, thống nhất “tam cương, ngũ thường”

của giáo lý Nho giáo đã bị đổ vỡ, bị vượt qua ở khâu đầu tiên quan trọng, đã bộc lộ sự bất lực
trước việc giải quyết cuộc khủng khoảng chính trị - xã hội đương thời.

Trong khi Nho giáo bị lâm vào tình cảnh như vậy, thì Phật giáo lại có đà hưng khởi,

lan tỏa trên hầu khắp các địa bàn và trong nhiều tầng lớp xã hội. Nhiều ngôi chùa lớn từ các
thế kỷ trước như Phật Tích, Bút Tháp, Vĩnh Nghiêm, Luỹ Lâu (thuộc Kinh Bắc), Quỳnh Lâm,
Sùng Quang, Đông Sơn (thuộc Hải Dương) được trùng tu; nhiều chùa mới được xây dựng,
trong đó có không ít chùa do các hoàng thân, hoàng tộc của họ Mạc, họ Lê - Trịnh, quan lại
các cấp góp tiền của.

Thế kỷ XVI cũng là thời kỳ thể hiện rõ rệt của Đạo giáo ở Đại Việt. Một số quán đạo

giáo được xây dựng hoặc trùng tu: quán Thụy Ứng (Hải Dương) được tu sửa năm Ất Sửu
(1565); quán Tiên Phúc (Hải Dương) được xây dựng, quán Linh Tiên (xã Cao Xá, Hà Tây)
được tu sửa vào năm Giáp Thân (1584); quán Viên Phương (Hà Tây) sửa năm Kỷ Sửu (1589);
quán Chân Thánh (Hải Dương) sửa năm Tân Mão (1591)... Đây chính là sự trở lại, tìm về cội
nguồn, đồng thời thể hiện sự phong phú, đa dạng, cởi mở của tư tưởng, tín ngưỡng thời Mạc.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.