của Nguyễn Trạch, Nguyễn Chanh ở Can Lộc; của Ngô Quảng, Hà Văn Mỹ
ở Nghi Xuân; của Nguyễn Hữu Thuận ở Thạch Hà và của Phan Đình
Phùng ở Đức Thọ.
Sự tồn tại của nhiều đội nghĩa quân trên địa bàn một tỉnh, một mặt
phản ánh phong trào chống thực dân Pháp ở Hà Tĩnh diễn ra rất sôi nổi
nhưng mặt khác lại cho thấy tính chất rời rạc của phong trào. Bản thân các
đội nghĩa quân cũng nhận thấy nếu đơn độc kháng chiến sẽ dễ dàng bị quân
Pháp tiêu diệt nên đã sớm tìm cách liên kết với nhau. Với tài năng và uy tín
của mình, Phan Đình Phùng đã giương cao cờ nghĩa, quy tụ nhân tâm, lần
lượt thu phục các thủ lĩnh nghĩa quân, hình thành một mạng lưới kháng
chiến từ Thanh Hóa tới Quảng Bình, gồm 15 quân thứ: Thanh Hóa (1),
Nghệ An (2), Hà Tĩnh (10) và Quảng Bình (2).
Nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các đội nghĩa quân trong bốn tỉnh mà
cuộc khởi nghĩa Hương Khê tồn tại lâu dài nhất và trở thành đỉnh cao nhất
trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đã gây
cho địch rất nhiều khó khăn và tổn thất.
- Xây dựng căn cứ và cách đánh giặc linh hoạt
Điểm chung của tất cả các cuộc khởi nghĩa dù lớn hay nhỏ là đều có
căn cứ phòng thủ. Các cuộc khởi nghĩa lớn, địa bàn hoạt động rộng đều có
một căn cứ phòng thủ chính và các căn cứ phòng thủ nhỏ hỗ trợ. Nhiều căn
cứ phòng thủ được xây dựng trên những địa thế rất hiểm trở nhằm đẩy quân
địch vào tình thế khó khăn và tạo ra thuận lợi cho nghĩa quân cả khi tấn
công và phòng thủ.
Khởi nghĩa Bãi Sậy có hai căn cứ lớn: căn cứ Bãi Sậy - là căn cứ
lớn nhất, do Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp chỉ huy và căn cứ Hai Sông do
Đốc Tít xây dựng. Căn cứ Bãi Sậy được xây dựng trên một cánh đồng rộng
mênh mông với lau, sậy um tùm, là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Hưng Yên và
Hải Dương. Từ Bãi Sậy nghĩa quân có thể khống chế được những trục
đường giao thông quan trọng như: trục Hải Phòng - Hải Dương - Hà Nội và
trục Thái Bình - Hưng Yên - Hà Nội. Nét độc đáo và khác biệt của căn cứ