Chính vì vậy, tư tưởng, đường lối vũ trang quần chúng cách
mạng đi đôi với xây dựng quân đội nhân dân của Đảng đã có sự phát
triển mới, với phương hướng rõ rệt hơn, cụ thể hơn về mặt xây dựng
quân đội nhân dân, tức là xây dựng một quân đội cách mạng, chính
quy và hiện đại. Chính nhờ quán triệt tư tưởng và đường lối đó nên
chúng ta mới xây dựng được một lực lượng vũ trang nhân dân vững
mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, bao gồm một lực lượng
dân quân tự vệ đông đảo, rộng khắp và một quân đội nhân dân hùng
mạnh với nhiều binh chủng và quân chủng. Dựa vào lực lượng đó và
lực lượng của toàn dân, Việt Nam mới đủ sức đương đầu với bộ máy
chiến tranh hiện đại của những đế quốc đầu sỏ và bè lũ tay sai, liên
tiếp làm thất bại mọi âm mưu và hành động xâm lược của chúng trên
cả hai miền Nam - Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình đó, những khuynh
hướng lệch lạc, phiến diện cũng từng xuất hiện. Đó là khi nhấn mạnh
một chiều việc xây dựng quân đội thường trực, coi nhẹ vai trò của dân
quân tự vệ và của toàn dân trong chiến tranh hiện đại; hoặc chỉ nói đến
chính quy hóa và hiện đại hóa, coi nhẹ việc giữ vững và tăng cường
bản chất cách mạng của quân đội. Khi thì ngược lại, không coi trọng
đầy đủ việc xây dựng các lực lượng vũ trang tập trung, hoặc coi nhẹ
việc chính quy hóa và hiện đại hóa quân đội. Cả hai khuynh hướng
phiến diện trên đây từng lúc, từng nơi đã gây nên trở ngại và thiệt hại
cho sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng đã và đang ra
sức đấu tranh để khắc phục.
Trong đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng
đã nắm vững và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vũ
trang quần chúng và xây dựng quân đội thường trực của giai cấp vô
sản, thực hiện vũ trang quần chúng rộng rãi đi đôi với xây dựng quân
đội nhân dân trước khi giành được chính quyền cũng như sau khi đã
có cơ cấu của một quốc gia độc lập, khi quân đội nhân dân còn non trẻ
cũng như khi đã trưởng thành, lớn mạnh, tiến lên chính quy và hiện
đại.