đơn vị pháo binh trang bị cả máy đo đạc phục vụ bắn; có những đơn vị
công binh sử dụng tốt các phương tiện rà phá bom, mìn thông thường và tối
tân, sử dụng các xe máy làm đường và sửa chữa cầu đường. Ở các xí
nghiệp, công trường, nông trường, cơ quan, trường học, đường phố, hợp tác
xã đều có tổ chức đơn vị dân quân và tự vệ. Quy mô và hình thức tổ chức
của lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng thích hợp với từng cơ sở sản
xuất và công tác. Có trung đội, đại đội, tiểu đoàn dân quân hoặc tự vệ phân
ra lực lượng cơ động và lực lượng phòng thủ, có đủ các thành phần: bộ
binh, trực chiến bắn máy bay, trực chiến bắn tàu chiến, công binh, thông tin
- quan sát. Đây là bước phát triển cao về tổ chức của lực lượng vũ trang
quần chúng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, với hình thức và quy mô tổ
chức linh hoạt, đa dạng làm cho khả năng chiến đấu của dân quân tự
vệ được tăng cường, có thể đánh địch rộng rãi ở khắp nơi, đánh địch
kịp thời nhất, giải quyết những hậu quả do địch gây ra nhanh nhất, sử
dụng được mọi loại vũ khí từ thô sơ đến tương đối hiện đại và vận
dụng được nhiều cách đánh sáng tạo. Trong những năm chống chiến
tranh phá hoại ở miền Bắc, các đơn vị dân quân và tự vệ gái, trai, già,
trẻ đều lập thành tích, bắn rơi nhiều máy bay phản lực hiện đại, bắn
cháy nhiều tàu chiến địch. Lực lượng dân quân tự vệ đã bắn rơi 424
máy bay, bắn cháy 164 tàu chiến địch, đồng thời còn rà phá được hàng
vạn quả bom mìn để giải tỏa giao thông.
Lực lượng dân quân tự vệ hoạt động chiến đấu gắn bó chặt chẽ
với cơ sở sản xuất; những cán bộ, chiến sĩ dân quân và tự vệ làm
nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu vẫn được cơ sở sản xuất và
công tác của mình chăm lo đời sống và bảo đảm cung cấp chu đáo.
Chế độ xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế tập thể và quốc doanh, hợp
tác xã, công, nông trường, xí nghiệp đã cho phép huy động một lực
lượng đông hàng chục vạn dân quân tự vệ tham gia vào các hoạt động
quốc phòng.