định và phát triển những giá trị văn minh của một dân tộc thống nhất.
Cuộc kháng chiến chống Tần (thế kỷ III tr. CN) đã được sử sách ghi
chép lại là cuộc đụng đầu lịch sử đầu tiên của dân tộc Việt Nam với
chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, mà kẻ đại diện là thế lực phong kiến
Tần Thủy Hoàng, một đế chế lớn mạnh nhất thời đó. Thắng lợi của
cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Văn Lang - Âu Lạc đã ghi
vào lịch sử trang mở đầu về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân
tộc Việt Nam. Sử chép rằng, trước sự tiến công mạnh mẽ của quân
Tần, người Việt đều trốn vào rừng ở với cầm thú, không ai chịu để cho
quân Tần bắt, không hợp tác với giặc, "đêm đêm ra đánh quân Tần".
Người Việt tập hợp nhau lại, "cử người kiệt tuấn lên làm tướng", kiên
trì cuộc chiến đấu lâu dài, dùng lối đánh du kích "ngày ẩn đêm hiện",
nhằm tiêu hao quân giặc, triệt đường lương thảo của chúng. Quân Tần
"đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong",
chúng ngày càng nguy khốn và tuyệt vọng, nhiều quân lính và phu
chuyên chở tự vẫn. Sau mười năm, quân Tần đại bại, nhà Tần buộc
phải bãi binh (năm 208 tr.CN).
Như vậy, từ rất sớm, người Việt đã có ý thức về địa bàn cư trú,
về cương vực lãnh thổ nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng mình - đây chính
là những tiền đề căn bản cho sự hình thành ý thức dân tộc. Cuộc đấu
tranh kiên cường chống lại hiểm họa xâm lược - thôn tính của các thế
lực mạnh hơn đòi hỏi mỗi thành viên trong cộng đồng - xã hội phải
liên kết, đồng lòng hợp sức với nhau để có đủ sức đánh bại cuộc tiến
công xâm lược của kẻ thù, và chính trong quá trình đấu tranh ấy mà
bản sắc có cộng đồng ra đời. Từ thế kỷ III tr.CN, vừa dựng nước, nhân
dân Việt cổ đã phải đứng lên chống ngoại xâm để giữ nước. Sự gắn bó
với lãnh thổ, với địa bàn cư trú tần dần phát triển thành lòng yêu nước,
ý thức cộng đồng quốc gia, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tư duy
quân sự của dân tộc Việt Nam. Đó là cơ sở để nhân dân Việt Nam
giành được những thắng lợi đầu tiên trong tiến trình lịch sử đấu tranh
giữ nước của mình.