chống, đấu tranh của lớp lớp người Việt Nam. Trên thực tế chính trong
thời gian mất nước kéo dài hơn một nghìn năm này, những cộng đồng
người Việt cổ đã nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường và bền bỉ đấu
tranh bảo tồn lối sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa lâu đời,
quyết giành bằng được nền độc lập tự chủ.
Thuở ấy người Việt mất nước nhưng ở khắp các bản làng vẫn
bảo tồn được các giá trị truyền thống của dân tộc. Bám vào làng xã,
đoàn kết đùm bọc lấy nhau, người Việt đã đấu tranh hiệu quả chống lại
chính sách nô dịch và đồng hóa của người Hán. Trong các làng xã,
nhân dân vẫn giữ được cốt cách làm ăn và phong tục tập quán riêng;
không chỉ bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tiếp thu
có chọn lọc những yếu tố văn hóa ngoại nhập phù hợp với cuộc sống
của mình và liên kết với nhau trong cuộc đấu tranh giành lại đất nước.
Chính quyền đô hộ không thể can thiệp hoặc làm thay đổi được đời
sống chính trị - xã hội ở làng của người Việt. Cũng dựa vào tổ chức
làng xã, người Việt duy trì và phát triển sản xuất. Nhờ vậy, nền kinh tế
vẫn có những bước phát triển. Những thành quả đấu tranh trên lĩnh
vực kinh tế, văn hóa làm tăng thêm sức mạnh của dân tộc trong cuộc
chiến đấu đánh đổ ách thống trị ngoại bang, giành lại chủ quyền dân
tộc.
Người Việt đầu tiên chống lại ách đô hộ của Nam Việt là Tây
Vu Vương - một thủ lĩnh thuộc dòng dõi quý tộc Âu Lạc cũ ở vùng
Tây Vu (Cổ Loa). Tuy nhiên, do lực lượng yếu hơn, nên cuộc khởi
nghĩa ở Giao Chỉ bị viên Tả tướng nhà Triệu là Hoàng Đồng đem quân
dập tắt. Cuộc khởi nghĩa này chứng tỏ phần nào cuộc đấu tranh chống
Bắc thuộc của nhân dân Việt Nam diễn ra từ rất sớm. Trong những
năm đầu công nguyên, nhà Hán thống trị Âu Lạc. Chính sách nô dịch
và đồng hóa của triều đình phong kiến Đông Hán đã xô đẩy nhân dân
Âu Lạc vào cảnh ngộ lầm than không kể xiết; mâu thuẫn dân tộc càng
mạnh mẽ hơn. Phong trào nổi dậy của nhân dân Việt Nam nổ ra khắp
nơi, mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào mùa Xuân năm