đề quân sự, có thể thấy rằng, chiến tranh là một cuộc thử thách toàn
diện đối với toàn bộ sức mạnh vật chất và tinh thần của một đất nước.
Trước quân thù, không còn con đường nào khác, nhân dân Việt Nam,
ở mọi thời đại đã dùng toàn lực, vật chất và tinh thần, con người và vũ
khí đứng lên cứu nước và giữ nước. Ở đây, quy luật "chiến tranh là
chính trị được tiếp tục bằng những thủ đoạn khác", tức là đấu tranh
quân sự, lại thể hiện. Trong chiến tranh, quân sự nổi lên với vai trò đặc
biệt quan trọng. Rõ ràng, phải thắng kẻ xâm lược về quân sự mới có
thể hoàn thành mục tiêu kháng chiến, mới giữ được độc lập dân tộc.
Tùy hoàn cảnh và điều kiện, các hoạt động quân sự đa dạng và phong
phú luôn tùy thuộc vào tiềm lực và trình độ kinh tế, khoa học - kỹ
thuật, vào kinh nghiệm và văn hoá giữ nước.
Ngay từ thời Hùng Vương - An Dương Vương, trong cuộc
kháng chiến chống Tần (thế kỷ III Tr.CN), người Việt, khi chưa đủ
điều kiện cản phá quân xâm lược, đã bỏ vào rừng, không hợp tác,
không cam phận tôi đòi dưới ách thống trị của quân xâm lược. Hẳn
rằng, đây là hình thức sơ khai của việc bất hợp tác với giặc sau này,
thực hiện kế "thanh dã", vườn không nhà trống.
Cùng với sự phát triển của tinh thần tự tôn dân tộc, tự tin vào
sức mạnh của sự nghiệp chính nghĩa, nhân dân Việt Nam đã sáng tạo
phương thức đấu tranh mới - phương thức địch vận. Kết quả là, dưới
thời thuộc Đường, nhất là từ đầu thế kỷ IX, nhiều cuộc binh biến của
võ quan, tướng lĩnh và binh sĩ người Việt trong quân đội đô hộ nhà
Đường đã diễn ra, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của binh lính dưới sự lãnh
đạo của Vương Quý Nguyên (năm 803); hoặc vào những năm 819 -
820 do Dương Thanh lãnh đạo.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược, nhân
dân đã theo sự huy động của Ngô Quyền, vào rừng đốn gỗ, vót nhọn,
bịt sắt và đóng xuống lòng sông thành hàng dài, tạo nên bãi chướng
ngại dày đặc ở hai bên cửa sông Bạch Đằng. Tương tự, nhân dân tại