tự do, và của ý chí chính trị không gì và không bao giờ lay chuyển được, là
tư tưởng quyết tâm giành lại độc lập và giữ gìn đất nước của tổ tiên.
Từ đó, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ngày càng nhiều với quy mô
và hiệu quả càng lớn. Lý Bí đánh tan quân Lương, lập ra nước Vạn
Xuân, tự xưng là Nam Đế (vua nước Nam). Ông là người Việt đầu tiên
xưng đế, "Việt đế" theo sử Trung Quốc hay "Nam Việt đế" theo sử
nước Việt Nam. Xưng đế, định niên hiệu riêng, định đô ngay trên vùng
đất Hà Nội xưa, đúc tiền riêng, coi phương Nam là một cõi riêng với
phương Bắc, lấy Việt đối với Hoa..., những điều đó nói lên một bước
trưởng thành quan trọng của ý thức chính trị - dân tộc, lòng tin ở khả
năng tự mình vươn lên, phát triển một cách độc lập. Đó là sự hiên
ngang phủ định quyền "bá chủ thiên hạ" của hoàng đế phương Bắc,
vạch rõ sơn hà, cương vực và là sự khẳng định dứt khoát rằng: nòi
giống Việt phương Nam là một thực thể độc lập, là chủ nhân của đất
nước và nhất quyết phải giành quyền làm chủ vận mệnh của mình.
Đây là một bước phát triển mới của ý chí độc lập tự chủ; có thể coi là
một "hành động cách mạng" của nhân dân Việt Nam kiên quyết chống
lại sự thống trị của phong kiến Trung Hoa để giành lại nền độc lập, tự
do dân tộc. Và người kế nghiệp Lý Nam Đế cũng đã xứng danh anh
hùng, tự xưng Triệu Việt Vương, lãnh đạo nhân dân kiên trì kháng
chiến, đánh đuổi quân xâm lược Lương, bảo vệ nền độc lập cho nước
Vạn Xuân.
Thời Tùy, Đường thống trị, nhiều cuộc khởi nghĩa và kháng
chiến nổ ra. Kháng chiến chống Tùy (năm 602), các cuộc khởi nghĩa
chống chính quyền đô hộ nhà Đường của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến
(687) của Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế, 713-722), của Phùng Hưng
(Bố Cái Đại Vương, 766-791), của Dương Thanh (819-820)... là
những minh chứng hùng hồn cho sự trưởng thành của ý thức dân tộc,
của tinh thần quyết chiến đấu vì độc lập tự chủ. Mai Thúc Loan tiếp
nối ý chí của Lý Bí, đã xưng "đế" và giành được quyền tự chủ trong
nhiều năm. Phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống ách đô