Ở Việt Nam, trong các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải
phóng dân tộc, buổi đầu thường xây dựng các căn cứ địa tại chỗ,
những vùng có địa thế hiểm yếu, xa các căn cứ địch, rồi phát triển
từng bước, tạo thành một căn cứ liên hoàn trong từng vùng và tiến tới
phạm vi cả nước, trong đó thường có các căn cứ chính (trung tâm),
không ngừng mở rộng và hình thành một hệ thống căn cứ địa, hậu
phương ổn định để cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hậu phương chiến tranh trước hết là
hậu phương chung của cả nước. Khi địch tiến công, quân và dân Việt
Nam thường dựa vào những vùng nhân dân có truyền thống đấu tranh
kiên cường, nơi có vị trí chiến lược làm đất căn bản, chỗ dựa của
kháng chiến. Như thế, trong điều kiện "lòng dân" hướng về kháng
chiến, thì cả nước vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương.
Thế kỷ XIII, vương triều Trần tiến hành ba cuộc kháng chiến
chống quân xâm lược Mông - Nguyên, trước sau đều dựa vào sự giúp
đỡ của nhân dân, dựa vào sự chuẩn bị hậu phương chung của cả nước.
Có những lúc quân thù đã chiếm cả kinh đô Thăng Long và nhiều địa
bàn trọng yếu, khiến cả triều đình và quân đội phải rút lui để bảo toàn
lực lượng, khó khăn nhất là trong cuộc kháng chiến lần thứ hai năm
1285. Dự tính trước những khó khăn đó, triều đình nhà Trần đã xây
dựng những cơ sở kháng chiến của mình. Đó là các lộ Thiên Trường
(Nam Định) và Trường Yên (Ninh Bình), những vùng đất bản bộ, nơi
quê hương bản quán của nhà Trần; đó là vùng Hoan - Ái (Thanh Hóa
và Nghệ An), nơi nhân dân có truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên
cường chống ngoại xâm. Nhờ đó mà ngay trong gian khó, vua Trần
Nhân Tông vẫn làm thơ rằng: "Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan Diễn
do tồn thập vạn binh" (Cối Kê chuyện cũ chắc ngươi còn nhớ, châu
Hoan và châu Diễn vẫn còn mười vạn quân). Chính vì vậy, khi lâm