nguy, triều đình nhà Trần đã có nơi nương dựa an toàn, để từ đó, vừa
bảo vệ mình vừa phát triển lực lượng, chờ thời cơ phản công giành
thắng lợi.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trong giai đoạn đầu đã dựa vào
nguồn cung cấp nhân lực, vật lực của nhân dân tại vùng rừng núi
Thanh Hóa, nơinghĩa quân xây dựng căn cứ địa đầu tiên cho sự nghiệp
đấu tranh của mình. Từ năm 1424, căn cứ địa của nghĩa quân được mở
rộng sang đất Nghệ An, rồi vùng giải phóng từng bước phát triển cả
vùng lãnh thổ phía Nam từ Thanh Hóa vào tận Tân Bình, Thuận Hóa.
Càng chiến đấu, khu căn cứ, hậu phương của nghĩa quân càng mở
rộng. Đến cuối năm 1426, hầu hết đất nước đã được giải phóng. Cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn từ một đốm lửa của núi rừng Thanh Hóa đã phát
triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô toàn quốc. Tuy
rằng, lúc đó quân Minh vẫn còn hơn mười vạn đóng giữ trong các
thành như Đông Đô, Tây Đô, Nghệ An, Xương Giang, Chí Linh, Cổ
Lọng, Tam Giang, Điêu Diêu, Thị Cầu, Khâu Ôn,... và ở phương Bắc
nhà Minh đang ráo riết điều động viện binh để đưa sang cứu nguy cho
đạo quân xâm lược, nhưng Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã bắt tay vào xây
dựng một chính quyền độc lập làm công cụ mạnh mẽ cho việc củng cố
hậu phương và tăng cường lực lượng. Đất nước được chia thành bốn
đạo, đứng đầu mỗi đạo có các tổng tri. Ở miền núi đặt quan thủ ngữ,
đoàn luyện và ban chức tước cho các tù trưởng có công đánh giặc. Lê
Lợi đẩy mạnh việc huy động nhân lực và vật lực cho giai đoạn quyết
định của cuộc chiến tranh. Việc xây dựng được một bộ máy chính
quyền các cấp lúc đó đã đánh dấu một bước phát triển lớn của nghĩa
quân, một thắng lợi rất quan trọng của cuộc khởi nghĩa. Lực lượng
nghĩa quân phát triển nhanh chóng. Lương thực, vũ khí cũng được sắm
sửa và chuẩn bị đầy đủ. Ngoài việc xây dựng chính quyền và tăng
cường lực lượng vũ trang, Lê Lợi còn bước đầu ban hành một số chính
sách về kinh tế, xã hội nhằm củng cố hậu phương vững chắc hơn nữa.
Hậu phương của cuộc chiến tranh đã được mở rộng trên toàn quốc. Đó