hiện những mặt hạn chế, yếu kém nhất định; chính vì thế mà một số
cuộc kháng chiến bị thất bại, đất nước sa vào vòng nô lệ. Trong lịch sử
hàng nghìn năm của dân tộc, mặc dù trước quân giặc mạnh, quân và
dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều gian khổ, hy sinh và mất mát,
nhưng hầu hết những cuộc kháng chiến lớn đều thành công; ví như các
cuộc kháng chiến chống Nam Hán (931 và 938), chống Tống (981 và
1075-1077) chống Mông - Nguyên (1258, 1285 và 1288), chống
Thanh (1789), chống Pháp (1945-1954), chống Mỹ (1954-1975). Hoặc
như cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi và
Nguyễn Trãi lãnh đạo hồi đầu thế kỷ XV cũng vậy. Trong những giai
đoạn lịch sử đó, đất nước đã xuất hiện những vị minh quân, hiền thần,
những nhà lãnh đạo tài giỏi, những vị tướng tài năng kiệt xuất. Họ đã
có những quan điểm tư tưởng quân sự tiến bộ để xây dựng nên một
đường lối kháng chiến phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cuộc chiến
tranh. Trong lịch sử, chỉ có ba lần quân và dân Việt Nam kháng chiến
thất bại, đó là thời An Dương Vương chống Triệu Đà xâm lược (179
trước Công nguyên), thời Hồ kháng chiến chống Minh (1406-1407) và
thời Nguyễn chống thực dân Pháp xâm lược (1858-1884). Tuy bối
cảnh lịch sử mỗi cuộc kháng chiến khác nhau, nhưng nhìn chung trong
cả ba lần kháng chiến này, các nhà lãnh đạo đã phạm những sai lầm
nghiêm trọng về phương lược đánh phòng, trong đó trước hết là do sai
lầm về tư tưởng chỉ đạo chiến lược quân sự, quốc phòng, chỉ cậy ở
thành trì và quân đội mà không biết dựa vào dân, tiến hành kháng
chiến trong thế bị động cả về chiến lược và chiến thuật. Vì vậy, lịch sử
tư tưởng quân sự Việt Nam, song song với thực tiễn quân sự Việt
Nam, đồng hành với những thăng trầm chính trị - xã hội Việt Nam, đã
trải qua những bước phát triển khác biệt.
2. Có thể chia lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam này thành hai
thời kỳ lớn: thời cổ - trung đại (từ thế kỷ III trước Công nguyên cho
đến giữa thế kỷ XIX, năm 1858) và thời cận - hiện đại (từ 1858 đến
1975).