“nông”, tư tưởng cả nước chung sức đánh giặc “cử quốc nghênh địch”,
“khoan thư sức dân”, tư tưởng “vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận,
cả nước góp sức” trong kháng chiến chống Mông - Nguyên, v.v..
Trong chiến tranh giải phóng chống quân Minh xuất hiện tư tưởng gắn
liền cứu nước với cứu dân, tư tưởng khởi nghĩa toàn dân và tư tưởng
nghệ thuật quân sự “dĩ quả địch chúng, dĩ nhược chế cường” (lấy ít
đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh) của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, có tư
tưởng “tâm công” (đánh vào lòng người) và tư tưởng nhân nghĩa của
Nguyễn Trãi... Thời Lê Sơ có tư tưởng quân sự, quốc phòng tiến bộ
của Lê Thánh Tông. Do những quan điểm quốc phòng mạnh mẽ, kiên
quyết nên dưới triều vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt có uy tín lớn
trong vùng và chủ quyền lãnh thổ luôn được giữ vững. Thế kỷ XVIII,
tiêu biểu là tư tưởng quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ với
những đặc trưng nổi bật trong nghệ thuật chỉ đạo tác chiến thần tốc,
táo bạo, bất ngờ và mãnh liệt... Trước các đạo quân xâm lược đông
gấp nhiều lần, các nhà quân sự Việt Nam thời cổ - trung đại đều chủ
trương “dĩ đoản chế trường”, “dĩ quả địch chúng, dĩ nhược chế
cường”, biết xây dựng quân đội “phụ tử chi binh” như cha con một
nhà, chọn dùng tướng giỏi, có tư tưởng chỉ đạo tác chiến đúng đắn,
thích hợp. Như vậy, tuy tư tưởng quân sự thời kỳ này chủ yếu là tư
tưởng quân sự của các danh nhân quân sự, của các nhà nước, triều đại
phong kiến, còn có những hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung trong
giai đoạn đầu của các triều đại, khi quyền lợi của giai cấp phong kiến
còn gắn liền với quyền lợi dân tộc thì các nhà lãnh đạo vương triều có
nhiều quan điểm tiến bộ, phù hợp với lợi ích dân tộc.
Tư tưởng quân sự Việt Nam thời cận - hiện đại là kết quả của
quá trình kế thừa truyền thống và tiếp thu những tư tưởng mới của thời
đại, đã phát triển đến đỉnh cao mới với nhiều quan điểm tư tưởng quân
sự hết sức tiên tiến. Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo
vệ Tổ quốc thời kỳ này chủ yếu do giai cấp mới, tiên tiến lãnh đạo.
Đối tượng chiến tranh yêu nước của dân tộc Việt Nam thời cận - hiện