Từ khi có lãnh tụ Nguyễn Ái quốc - Hồ Chí Minh, có Đảng
Cộng sản Việt Nam, con thuyền cách mạng Việt Nam mới đi đúng
hướng, vào quỹ đạo mới với nội dung cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời những quan điểm quân
sự cơ bản đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đã đặt cơ sở cho sự hình
thành đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng cách mạng,
xây dựng căn cứ địa và khởi nghĩa vũ trang cùng với đường lối khởi
nghĩa đúng đắn của Đảng đã đưa đến thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa
Tháng Tám năm 1945. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ, tư tưởng quân sự Việt Nam đã phát triển hoàn
thiện nhất, có nội dung phong phú và tiến bộ nhất, mà đỉnh cao là tư
tưởng quân sự chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân. Đó là hệ
thống quan điểm về quốc phòng và quân sự của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Hệ thống quan điểm đó là kết quả của quá trình kế thừa những
quan điểm quân sự truyền thống trong hàng nghìn năm của dân tộc; là
sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và quân
đội vào thực tiễn của đất nước, của cách mạng Việt Nam trong thời đại
mới; là sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa quân sự thế giới. Hệ thống
quan điểm đó hình thành và phát triển trong thực tiễn 30 năm chiến
tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam (1945-
1975). Tư tưởng quân sự Việt Nam trong 30 năm chiến tranh cách
mạng có nội dung rộng lớn, có tính toàn diện và tổng hợp cao, không
chỉ đề cập đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng mà còn bao hàm những
hoạt động về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao..., có liên
quan đến quân sự và quốc phòng. Đó là tư tưởng chiến tranh nhân dân,
toàn dân, toàn diện, là tư tưởng chỉ đạo hoạt động quân sự của lực
lượng vũ trang, đồng thời chỉ đạo hoạt động quân sự của nhân dân
cầm vũ khí đứng lên đánh địch, kết hợp chặt chẽ quân sự với chính trị,
quân sự với ngoại giao, tác chiến với binh vận, kết hợp tiêu diệt địch
với phát động quần chúng giành chính quyền làm chủ, kết hợp đánh
du kích và đánh tập trung, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn.