Năm 1919, nhân danh những người yêu nước Việt Nam,
Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị Vécxây tám yêu sách đòi quyền
tự do, dân chủ và bình đẳng dân tộc. Từ năm 1921 đến năm 1929,
Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành một cuộc đấu tranh kiên trì, gian khổ
trên phạm vi quốc tế cũng như trong nước. truyền bá quan điểm cơ
bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng Việt Nam do
Người đề xướng vào công nhân, nông dân và những người Việt Nam
có tinh thần yêu nước, đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt để
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 6-1-1930, Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc triệu
tập họp tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc để thống nhất các tổ
chức cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản chung nhất.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với Chính cương, Sách lược, Điều lệ
tóm tắt của Đảng là một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc trở thành đường lối của
Đảng Cộng sản Việt Nam, của cách mạng Việt Nam do Người sáng
lập và lãnh đạo. Những quan điểm tư tưởng quân sự mới phù hợp yêu
cầu thời đại đã xuất hiện. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở
thành lãnh tụ của Đảng và của cả dân tộc. Cách mạng Việt Nam đã
chuyển sang một kỷ nguyên mới. Được lý luận cách mạng soi đường,
được một tổ chức tiên tiến lãnh đạo, phong trào yêu nước Việt Nam
phát triển vượt bậc. Từ đây, tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ
của nhân dân Việt Nam được phát huy mạnh mẽ. Ý thức tự tôn, tự lập,
tự cường được củng cố trên cơ sở niềm tin vững chắc vào sự nghiệp
giải phóng, vào tiền đồ của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những
truyền thống cao quý của dân tộc từ ngàn năm được kế thừa, phát huy
cao độ và được nhân lên một trình độ mới, một chất lượng mới. Đảng
đã kết hợp tinh thần cách mạng của giai cấp công nhân với truyền
thống kiên cường, bất khuất, mưu trí, dũng cảm của dân tộc, tạo nên
một khí thế cách mạng mới.