tìm ra con đường mới để tự giải phóng. Đó là con đường duy tân của
Nhật Bản, con đường Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, con
đường nghị viện tư sản ở các nước phương Tây. Phan Bội Châu và
Phan Chu Trinh là những nhân vật tiêu biểu cho xu hướng mới của
con đường cứu nước kiểu tư sản, những nhà cách mạng dân tộc đại
diện cho một lớp người Việt Nam yêu nước trong giai đoạn chuyển
giao giữa hai thời đại và hai thế kỷ. Tư tưởng và hoạt động nhiệt huyết
của các ông có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của ý thức dân
tộc, với phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Thất bại của cuộc vận động yêu nước đầu thế kỷ XX chứng tỏ
con đường dân chủ tư sản không phải là con đường cứu nước phù hợp
với xu thế thời đại, với đòi hỏi của cách mạng Việt Nam. Những nhà
yêu nước thuở ấy tuy có tinh thần và ý thức dân tộc cao và lòng yêu
nước nhiệt thành, nhưng vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng trong đêm tối nô
lệ. Giữa lúc đó xuất hiện một xu hướng cách mạng mới do Nguyễn Ái
Quốc khởi xướng và lãnh đạo, một nhân tố mới phù hợp với xu thế
phát triển của thời đại.
Vượt qua tầm nhìn và hạn chế của những người yêu nước
đương thời, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam yêu nước đầu tiên đã
tìm ra con đường giải phóng đúng đắn cho giai cấp công nhân, cho
nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Bằng trí tuệ và sự hoạt động
tích cực của mình, Người đã kịp thời đáp ứng nhu cầu bức thiết của
lịch sử. Nguyễn Ái Quốc rất khâm phục tinh thần yêu nước của các
bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám,
nhưng không đi theo con đường của vị nào. Mang trong mình lòng yêu
nước nồng nàn và tình yêu thương bao la đối với đồng bào cùng khổ,
truyền thống quật cường của dân tộc, với hoài bão và tư duy vượt qua
mọi lối mòn của những người đi trước, năm 1911, Nguyễn Ái Quốc
(lúc đó là Nguyễn Tất Thành) đã rời Tổ quốc sang phương Tây để
nhận thức thế giới, tìm hiểu tận gốc nền văn minh phương Tây để tìm
một con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.