đồng đẳng mới bình đẳng được ». Câu ấy chúng nó ý muốn giảng rằng : «
Các anh hãy còn lạc hậu, nên lo học đi ; chừng nào có đồng đẳng với tôi thì
tôi mới cho bình đẳng ». Một kết quả ngoài ý liệu của chúng, ấy là không
dè nương theo đó mà tiếng Việt giàu thêm được bao nhiêu từ ngữ về triết-
lý, văn chương, nghệ-thuật, khoa học. Và những từ ngữ ấy, báo Nam Phong
đem rải khắp mọi nơi. Các độc giả trẻ tuổi hình như được vở lòng, được dự
bị mà đọc các sách khó khác.
19. Sau chiến tranh thế giới, những Việt kiều ở Tàu, ở Pháp bắt đầu
lập những tổ chức cách mạng và xuất bản báo, tạp chí, sách gởi về nhà.
Trong nước, phong trào lập thư xã cũng nổi lên như nấm mọc sau mưa. Từ
năm 1926 về sau, phong trào quần chúng trở nên mãnh liệt. Và các tổ chức
cách mạng lo việc in báo chí tại xứ để cung cấp văn liệu cho kịp. Các tổ
chức cách mạng nầy, chẳng luận màu sắc nào, đều mang những học thuyết,
tư tưởng mới mà truyền bá. Có vật mới tất phải dùng tiếng mới để gọi.
Tiếng mới xuất hiện rất nhiều. Một vùng nào vừa có một phong trào tràn
qua thì dân chúng thuộc được không biết bao nhiêu từ ngữ. Đến đỗi người
để ý một chút ắt phân biệt ngay được trong lời nói nhà cách mạng và kẻ
thường.
Về mặt bí mật, sự tiến tới mau lẹ ấy rất dữ dội. Thì người thường lại
theo không kịp. Nhiều tùng thơ công khai ra đời, vừa để truyền tư tưởng lạ,
vừa để giải thích chữ mới. Mỗi tập sách nhỏ đều có mấy trang từ khảo. Vì
âm vận của ta gần với của Tàu nên những từ ngữ mới mượn ở Tàu dễ dùng
hơn. Thế nên những tân thuật ngữ của Tàu được san qua giọng Hán Việt mà
dùng. Việc giải thích chữ mới nầy có thể đánh dấu bằng bộ Hán Việt từ điển
của Đào Duy Anh (1932). Mà từ ấy tiếng Việt phong phú thêm chẳng dứt.
20. Những bản văn dịch, do sự vội vã, thường viết bằng những câu dài
lê thê, cú pháp rắc rối, nên rất khó hiểu. Điều ấy làm cho tư tưởng thâm
nhập chậm chạp. Hoàng Tích Chu bày ra lối văn nhẹ nhàng, gọn gãy, dễ
hiểu, tránh những luộm thuộm của văn xưa và những lê thê của bản dịch
nay. Nhờ vậy mà tiếng Việt ngày nay trở nên một lợi khí sắc bén để diễn
đạt tư tưởng.