Cuộc xâm lăng của nhà Minh đánh ngã những cải cách táo bạo của Hồ
Quí Ly. Những việc bắt nhân tài, thu sách vở làm cho văn nôm mất cái đà
mãnh liệt của nó và tạo một bầu không khí phục hồi Hán học. Nhưng trong
dân chúng, tiếng Việt đã đủ sức mạnh rồi, không thể ngăn sức tiến của nó
được nữa.
d) Tiếng Việt ở thời cận kim (từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ thứ XX)
15. Ở thời trung cổ, tiếng Việt tiến lên với một sức thật mạnh và một
tốc độ thật mau. Đến đời nhà Hồ thì nó đã đến mức cao lắm rồi. Trong
khoảng năm trăm năm, từ nhà Lê lập nước lại, đến cuộc chiến tranh thế giới
thứ nhứt, tiếng Việt giàu thêm, mạnh thêm, lan rộng thêm. Tuy là những
bước từ từ, song đều là những bước vững chắc.
Một yếu tố quan trọng là trong buổi nầy cuộc nam tiến lại diễn rất mau
lẹ, nhứt là từ khi chúa Nguyễn hùng cứ phương nam. Người Việt đồng hóa
người Chàm từ Quảng đến Phan Thiết, đồng hóa người Miên ở miền Nam
và cũng thu thập nhiều tiếng của họ vào kho tàng ngôn ngữ của mình. Lại
trong thời nầy, nhà Minh bên Tàu bị đổ, nước Tàu bị Mãn Thanh chinh
phục, lắm người không nghe theo, trốn sang bên ta. Ban đầu họ sống riêng
từng làng, sau họ sống lẫn lộn với dân chúng rồi đồng hóa theo. Họ mang
đến những thuật ngữ mới về tư tưởng, văn chương và có người như Lý Văn
Phức đã góp một phần sáng tác vào văn chương Việt Nam. Sau cùng, nên
kể những người Âu châu, hoặc sang truyền đạo, hoặc sang buôn bán, đã
đem lại xứ ta ít nhiều tiếng lạ.
16. Đáng chú ý nhất là nghề in bằng ván khắc, trước đã đem các áng
văn nôm truyền bá trong đại chúng, đến thời nầy thật là thạnh vượng. Dưới
nhà Lê, văn học được khuyến khích, văn nôm được trọng dụng. Bắt đầu từ
nửa thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ xuất hiện, góp phần quan trọng vào việc
phổ cập trong dân gian.
Việc phát triển nầy tất nhiên phải liễu kết giống như ở giai đoạn trước.
Nguyễn Huệ noi gương theo Hồ Quí Ly, dùng chữ nôm mà ban bố sắc