Bản. Kanishka chấp nhận mọi tôn giáo, mới đầu thờ đủ các thứ thần, sau
cùng theo một phái Tân Phật giáo có tính cách thần thoại, thờ Thích Ca như
một vị thần tối cao, dưới Ngài có vô số Bodhisattwa (Phật Bồ Tát) và Arhat
(La Hán); ông ta lập một đại hội nghị Phật giáo, triệu tập các nhà thần học
Phật giáo tới để thảo luận và định những tín điều cho tân tín ngưỡng, rồi
ông cho truyền bá tín ngưỡng này; có thể coi ông là Açoka thứ nhì của Ấn
Độ. Hội soạn 300.000 sutra (cách ngôn, lời kinh), hạ thấp triết lí Phật
xuống cho bình dân hiểu được và tôn Đức Phật thành một vị thần.
Trong khoảng thời gian đó, Chandragupta I (không nên lộn với
Chadragupta Maurya, cũng gọi là Chandragupta I) đã sáng lập triều đại các
vua bản thổ Gupta. Người kế vị ông, Samudragupta, trị vì năm chục năm,
nổi danh là một trong những minh quân bậc nhất suốt trong mấy ngàn năm
lịch sử Ấn Độ. Ông thiên đô từ Pataliputra tới Ayodhya, chỗ xưa kia của
Rama
trong thần thoại; xua quân và phái các quan thu thuế vô miền
Bengale, miền Assam, miền Népal và miền Nam Ấn, ông dùng số tiền các
nước chư hầu nộp cống để phát triển văn học, tôn giáo, khoa học và nghệ
thuật. Chính ông, khi nào không cầm quân thì làm thơ và chơi đàn, vào
hạng có tài. Con trai ông, Vikamaditya (Mặt trời của Uy quyền) tiến xa hơn
nữa về võ bị cũng như về văn hóa, nâng đỡ kịch tác gia danh tiếng Kalidasa
và qui tụ được ở kinh đô Ujjaïn một đám đông thi sĩ, triết gia, nghệ sĩ, bác
học, học giả ưu tú. Dưới hai triều vua đó, Ấn Độ đạt tới một trình độ văn
minh chưa hề có từ thời Phật Thích Ca và một sự thống nhất chính trị
ngang với các triều đại Açoka và Akbar.
Trong tập kí sự về lần qua Ấn thỉnh kinh ở đầu thế kỉ thứ V sau Công
nguyên, nhà sư Pháp Hiển đã ghi lại ít nét về văn minh Gupta. Ông là một
trong số nhiều nhà sư Trung Hoa qua Ấn Độ trong thời đại hoàng kim đó,
mà số người hành hương đó còn ít hơn số các thương nhân, sứ thần từ đông
hoặc từ tây vượt các dãy núi cao để vô Ấn Độ, có người từ La Mã tới, làm
cho Ấn được cái lợi tiếp xúc với các phong tục và tư tưởng ngoại quốc. Sau
khi liều mạng vượt qua được các tỉnh phía Tây Trung Hoa, nhà sư Pháp