Con trai ông, Humayun nhu nhược và do dự quá, chỉ mê ả phù dung nên
không tiếp tục sự nghiệp của ông được. Một thủ lãnh A Phú Hãn tên là
Sher thắng ông trong hai trận huyết chiến và trong một thời gian lại thống
trị Ấn Độ, Sher Shah tuy đủ tư cách giữ truyền thống Hồi là giết người như
ngoé, nhưng cho xây cất lại Delhi, tỏ ra hiểu nghệ thuật kiến trúc lắm, lại
cải cách nền hành chánh, dọn đường cho chính quyền sáng suốt của Akbar.
Hai “Shar”
nữa tầm thường, giữ ngôi báu trong mười năm, rồi
Humayun sau mười hai năm lang thang cực khổ, tổ chức được một đạo
quân ở Ba Tư, trở vô Ấn Độ, khôi phục lại được ngai vàng. Tám tháng sau,
từ sân thượng thư viện, ông té xuống mà bỏ mạng.
Trong hồi ông phiêu bạt, cực khổ, bà vợ sinh được một người con trai, mà
ông thành kính lựa tên Muhammad để đặt cho, nhưng sau này sử Ấn Độ chỉ
gọi là Akbar, nghĩa là “tối đại”. Trời cho Muhammad đủ những tài đức để
thành một vĩ nhân, và cơ hồ như tổ tiên ông cũng đồng tình hợp lực để ông
được hưởng mọi di truyền tốt vì ông là hậu duệ của Babur, Timur và
Gengis Khan. Ông có vô số sư phó nhưng không chịu học ai cả, ngay đến
tập đọc cũng không chịu. Chỉ thích những môn thể thao nguy hiểm, tập sự
nghề làm vua bằng cách phi ngựa, chơi polo [mã cầu: cưỡi ngựa mà đánh
cầu], trị những con voi dữ nhất, lúc nào cũng sẵn sàng đi săn sư tử, cọp,
không ngại một sự khó nhọc, một nỗi nguy hiểm nào. Cũng như mọi “hảo
hán” Thổ, ông giết người mà không tởm. Hồi mười bốn tuổi, để được xứng
với cái tôn hiệu Ghazi – “Sát tà đạo” – ông huơ gươm chém một nhát rụng
đầu một tù nhân Ấn. Đó, con người sau này thành một ông vua hiền minh
nhất, có học thức nhất trong lịch sử nhân loại, hồi trẻ dã man như vậy đó
.
Mười tám tuổi, ông không cần viên phụ chánh nữa, đích thân nắm hết mọi
quyền hành, cai trị lấy thần dân. Lúc đó giang sơn của ông gồm khoảng
một phần tám Ấn Độ: một dải đất rộng trung bình khoảng năm trăm cây số,
từ Multan tới biên giới Tây Bắc và tới Bénarès. Ông tham lam vô cùng như