ông nội ông, tận lực mở rộng đất đai, và sau nhiều chiến dịch tàn khốc,
chiếm được toàn cõi Ấn Độ, trừ tiểu quốc Rajpute ở Mewar. Trở về Delhi,
cởi xong binh giáp, ông bắt tay liền vào việc tổ chức lại đế quốc. Ông dùng
chính sách chuyên chế, đích thân bổ nhiệm mọi quan lại lớn nhỏ, cả tại
những tỉnh hẻo lánh nhất. Ông có bốn quan cận thần: một vị tể tướng gọi là
Vakir, một bộ trưởng tài chính , đôi khi gọi là Vazir (Vizier), có khi gọi là
Diwan, một Triều trưởng gọi là Bakhshi, và một Giáo trưởng, gọi là Sadr,
làm chủ Hồi giáo ở Ấn Độ. Uy tín ông càng tăng, càng vững nhờ truyền
thống, ông càng rút bớt quân đội đi, sau chỉ còn giữ một đạo quân thường
bị là hai mươi lăm ngàn người thôi. Khi hữu sự, các võ quan tỉnh trưởng
mộ thêm quân để tăng cường quân số nhỏ nhoi đó, nhưng phương tiện đó
bấp bênh và chính sách đó làm cho Đế quốc Mông Cổ dưới thời Aureng-
Zeb dễ sụp đổ
. Các viên tỉnh trưởng và thuộc hạ ăn cắp, ăn hối lộ tới
nỗi ông phải bỏ già nửa thì giờ vào việc trị tham nhũng. Ông hết sức tiết
kiệm trong mọi chi tiêu của triều đình và cung điện tới nỗi định giá lấy thực
phẩm, vật liệu và nhân công cung cấp cho quốc gia. Khi ông băng, trong
quốc khố còn dư một số bằng khoảng một tỉ Mĩ kim ngày nay và đế quốc
ông mạnh nhất thế giới.
Luật pháp rất nghiêm, thuế tuy nặng nhưng không bằng trước. Thuế điền
thổ bằng từ một phần sáu tới một phần ba số thu gặt được, mỗi năm được
khoảng hai tỉ quan. Nhà vua nắm trong tay cả ba quyền: lập pháp, hành
pháp và tư pháp, là tối cao thẩm phán, ông phải bỏ ra nhiều thì giờ xử
những vụ quan trọng nhất. Ông ban các đạo luật cấm tảo hôn, cấm bắt quả
phụ phải hoả thiêu theo chồng, cho quả phụ được tái giá, bỏ chế độ nô lệ,
cấm giết sinh vật để tế thần, tôn giáo nào cũng được tự do, có tài thì làm
nghề nào cũng được, không phân biệt nòi giống và tôn giáo, bãi bỏ thuế
thân mà các vua Hồi thời trước đánh vào những người Ấn không theo Hồi
giáo. Khi ông mới lên ngôi, còn dùng hình phạt chặt tay chặt chân, nhưng
về cuối đời ông, hình luật Ấn có lẽ nhẹ hơn hết ở thế kỉ XVI. Các quốc gia
mới thành lập, bắt đầu phải dùng chính sách cường bạo, rồi nếu được an ổn
thì lần lần chính sách hoá ôn hoà hơn, tự do hơn.