Veda, đất đai thuộc về dân chúng, nhưng từ hồi Chandragupta Maurya, các
vua chúa quen thói đòi làm chủ toàn thể đất đai trong nước và người dân
nào muốn cày cấy trồng trọt thì phải đóng thuế hàng năm. Thường thường
triều đình làm những công việc dẫn thuỷ nhập điền. Một trong số nhiều cái
đập do Chandragupta xây cất, còn dùng được mãi tới năm 150 trước Công
nguyên; ngày nay chúng ta còn thấy gần khắp mọi nơi di tích những con
kinh cũ; còn cả di tích mà Raj Sing, Rana Rajupte ở Mewar cho đào để
chứa nước dùng vào việc dẫn thuỷ nhập điền (1661), chung quanh hồ có
một bức tường cẩm thạch dài hai chục cây số.
Có thể rằng người Ấn là dân tộc đầu tiên khai thác các mỏ vàng. Hérodote
và Mégasthènes kể rằng: “Có những loài kiến khổng lồ nhỏ hơn loài chó
một chút nhưng lớn hơn loài chồn” cào cát và giúp người Ấn tìm vàng
Phần lớn số vàng lưu hành trong đế quốc Ba Tư ở thế kỉ thứ V trước Công
nguyên là từ Ấn Độ qua; một ngàn rưỡi năm trước Công nguyên, Ấn còn
khai thác bạc, đồng, chì, kẽm, thiếc và sắt nữa. Kĩ thuật nấu và trui sắt xuất
hiện ở Ấn từ lâu rồi châu Âu mới được biết; chẳng hạn Vikramaditya dựng
ở Delhi vào khoảng 380 sau công nguyên một cột trụ lớn bằng sắt, hiện nay
sau mười lăm thế kỉ vẫn còn nguyên vẹn, và khoa dạ kim ngày nay vẫn
chưa biết nhờ đâu mà cột đó sau bao nhiêu thế kỉ mưa gió vẫn không sét:
nhờ sắt tốt hay nhờ một bí thuật nấu, pha nào đó. Trước khi người Âu tới,
nghề nấu sắt bằng những cái lò nhỏ đốt than cây là một trong những kĩ
nghệ chính của Ấn Độ. Cuộc cách mạng kĩ nghệ đã giúp cho Âu châu nấu
sắt rẻ hơn, nhiều hơn và kĩ nghệ Ấn không thể cạnh tranh nổi, người Ấn
đành phải nhập cảng sắt của phương Tây. Mãi đến thời đại chúng ta, các
mỏ ở Ấn mới được khai thác trở lại.
Sự trồng bông vải cũng xuất hiện ở Ấn Độ sớm hơn các nơi khác; nền văn
minh Mohenjo-daro hình như đã dùng sợi bông để dệt vải. Hérodote là sử
gia cổ nhất nói tới bông, chép một cách ngây thơ rằng: “Vài thứ cây mọc
hoang trong rừng không có trái mà lại có len, thứ len đó đẹp hơn, tốt hơn
thứ len ở lông cừu; người Ấn dùng những cây đó để dệt áo”. Chính trong