IV. CÁC SỰ KÌ QUẶC VỀ TÔN GIÁO
Mê tín – Thuật chiêm tinh – Thờ dương vật – Nghi thức – Giết vật tế thần –
Tẩy uế - Các nước thánh.
Ở một xứ mà môn thần học có chủ trương như vậy: sống là sợ mọi thứ, là
đau khổ, thì tất nhiên lòng mê tín nảy nở mạnh vô cùng, và gặp cảnh bất
như ý nào trong đời, người ta cũng cầu nguyện thần linh phù hộ cho qua
khỏi tai nạn. Cúng bái, bùa phép trừ tà, chiêm tinh, cúng sao giải hạn, đọc
thần chú, cầu nguyện, coi tướng, coi chỉ tay đoán cát hung, bói toán,
2.728.812 thầy tu, thầy cúng, một triệu thầy số, thầy bói, một trăm ngàn
người dụ rắn, làm bùa phép, một triệu fakir (cũng như phù thuỷ), yogi (Du
già) và vô số các vị “thánh” khác nữa; tất cả những kì quặc đó đều phải kể
tới trong lịch sử Ấn Độ. Trong một ngàn hai trăm năm, người Ấn đã có biết
bao nhiêu là Tantra (sách) thần bí về phù thuỷ, bói toàn, chỉ những cách
làm bùa phép mantra, để tín đồ cầu gì được nấy. Các tu sĩ Bà La Môn
khinh những trò ma thuật đó, nhưng mặc cho dân chúng theo vì nghĩ rằng
dân chúng tin nhảm như vậy thì uy tín của chính họ mới vững, và có lẽ
cũng vì họ cho rằng óc mê tín của dân không sao gột được, trừ được mê tín
này thì lại nảy ra mê tín khác. Con người nào có chút lương tri thì dại gì mà
tấn công một sức mạnh có thể tái sinh dễ dàng như vậy.
Người Ấn ngây thơ – mà nhiều người Âu có học thức thì cũng vậy – tin
khoa chiêm tinh, cho rằng mỗi người có một ngôi sao chiếu mạng, cuộc đời
sẽ sung sướng hay khổ sở tuỳ ngôi sao đó hết, nhất định như vậy. Đàn bà có
tháng thì không được ra ngoài trời vì ánh nắng mặt trời có thể làm cho
mang thai. Sách Upanishad Kaushitaki bảo cứ cúng vái trăng non thì làm
ăn sẽ phát đạt, tiền của dồi dào. Bọn thầy pháp, thầy số, thầy bói, cứ tặng
họ một chén cơm là họ kể vanh vách dĩ vãng cùng tương lai của mình cho
mà nghe sau khi coi chỉ tay, phân, hoặc những lỗ chuột cắn trong quần áo
của mình; họ lại đoán điềm giải mộng; coi sao trên trời mà chỉ cách xu cát