tô xanh tô đỏ, nạm vàng nạm ngọc, có khi coi như một người sống vậy:
đánh thức dậy, đem tắm rửa, rồi mặc áo, đút cơm cho, có khi lại rầy nữa,
đến tối đưa đi ngủ.
Ở chỗ công cộng thì nghi thức chính là cúng dường tế lễ, còn ở chỗ riêng tư
thì nghi thức chính là tẩy uế. Người Ấn không cho sự cúng thức ăn chỉ là
chuyện bề ngoài đâu; họ thực tình tin rằng nếu không cúng thì các thần linh
sẽ đói. Ở Ấn cũng như ở mọi xứ khác, khi loài người còn ăn thịt người, thì
người ta giết người để tế thần. Nữ thần Kali đặc biệt khoái thịt người,
nhưng các tu sĩ Bà La Môn giảng rằng nữ thần chỉ muốn ăn thịt bọn hạ tiện
thôi
. Rồi quan niệm về luân lí tiến bộ, các thần linh đành bỏ cái món
thịt người mà chịu ăn thịt các loài vật vậy mà được ăn hả hê, thịt loài vật ê
hề hơn thịt người nhiều. Các ngài thích nhất là thịt dê, nên người ta cúng rất
nhiều dê. Đạo Phật và đạo Jaïn bãi bỏ cái tục cúng thịt đó đi, nhưng khi Ấn
giáo thịnh trở lại, chiếm địa vị của Phật giáo thì người ta lại cúng thịt. Ngày
nay, tục đó vẫn còn, tuy mỗi ngày mỗi suy. Nhưng nói cho ngay, các tu sĩ
Bà La Môn không chịu dự một cuộc lễ nào mà tín đồ thọc tiết loài vật để tế
thần.
Người Ấn mỗi ngày bỏ ra mấy giờ để tẩy uế, vì về sự vệ sinh sạch sẽ, thì
Ấn giáo không thua gì khoa vệ sinh học tân tiến nhất. Lúc nào người Ấn
cũng sợ bị nhiễm uế - ăn nhằm một thức ăn không hợp với tôn giáo, đụng
nhằm một đống rác hoặc một người Shudra, một kẻ ở ngoài các tập cấp,
một thây ma, và có cả trăm cách khác nữa. Dĩ nhiên, đàn bà có tháng hoặc
nằm chỗ, nhất định là ô uế rồi; vì vậy luật Bà La Môn bắt họ phải ở riêng
một chỗ và phải theo những luật vệ sinh thật tỉ mỉ. Bị nhiễm uế - chúng ta
gọi là bị nhiễm độc hay bị lây – người Ấn phải làm những nghi thức tẩy uế;
nếu là trường hợp nhẹ thì cần tưới nước thánh; nếu nặng thì nghi thức rắc
rối hơn, nếu cực nặng thì phải làm phép Panchagavia rất đáng sợ. Phép này
là một cách trừng phạt kẻ nào phạm phải những lỗi nặng, không theo luật
của tập cấp (chẳng hạn tội rời bỏ Ấn Độ): kẻ phạm tội phải uống một thứ
nước trộn “năm chất” của con bò cái linh thiêng: sửa lỏng, sửa đặc lại, bơ