Cơ hồ như không đâu nhiều thánh bằng Ấn Độ, tới nỗi các du khách có thể
nghĩ rằng thánh là một sản vật tự nhiên của xứ đó, cũng như cây thẩu (nha
phiến) hoặc loài rắn. Đối với một người Ấn mộ đạo thì có ba con đường tu
để thành thánh: con đường Trầm tư, tức Inana-yoga; con đường Hành
động, tức Karma-yoga; và con đường Từ ái, tức Bhakti-yoga. Trong bốn
Ashrama, tức giai đoạn để tới bực thánh, các Bà La Môn chấp nhận ba con
đường đó. Người Bà La Môn trẻ trước hết phải là một Bramachari đã,
nghĩa là tự giữ tinh khiết trước khi có vợ, phải tụng niệm, cúng bái, học hỏi,
nói đúng sự thật và hết lòng thờ Guru, thầy của mình. Khi có vợ rồi – mà
đủ mười tám tuổi thì phải cưới sơm sớm – thanh niên đó bước qua giai
đoạn thứ nhì của đời một Bà La Môn, giai đoạn Grihastha, tức gia trưởng,
và phải lo có con trai để săn sóc mình và cúng giỗ tổ tiên. Qua giai đoạn
thứ ba (ngày nay ít người theo), người nào nguyện thành thánh, phải dắt vợ
con vào ở ẩn trong rừng núi, vui vẻ sống đời một Vanaprastha, có ái ân với
nhau thì chỉ để cho có con thôi. Sau cùng, muốn đạt mức cao nhất, thành
thánh thì người Bà La Môn khi về già, phải bỏ nốt vợ, thành một Sannyasi,
nghĩa là “người đã từ bỏ xã hội”, từ bỏ hết của cải tiền bạc, cắt đứt mọi
luyến ái, hệ luỵ; chỉ còn giữ mỗi một miếng da sơn dương để che mình,
một chiếc gậy để chống và một cái bầu nước để uống. Mỗi buổi sáng phải
trát tro lên đầy mình, thường uống “năm chất” [của bò cái thiêng] và khất
thực để sống. Qui luật Bà La Môn bảo: “Một Sannyasi phải coi mọi người
là bình đẳng. Không được để cho một biến cố làm động lòng, phải thản
nhiên nhìn các cuộc cách mạng lật đổ các triều vua, mà chỉ nhắm mục đích
duy nhất là luyện cho được cái sáng suốt tâm linh để hoà đồng với Thượng
Đế mà chúng ta bị lòng dục và vật chất chung quanh làm cho cách biệt”
Trong cái không khí tín ngưỡng rất mực thành kính đó, đôi khi người ta
nghe thấy nổi lên một giọng lạc điệu hẳn, trái với giọng nghiêm trang
thường có của người Ấn. Khi nào Ấn gặp thời phú thịnh thì dĩ nhiên số