Thượng Đế toàn thiện toàn năng thì tại sao lại tạo ra cái thế giới chẳng
hoàn toàn chút nào như vậy, chịu toàn những đau khổ để rồi nhất định phải
chết. Một điều thích thú, đáng chú ý là các triết gia Ấn rất bình tĩnh bàn về
các vấn đề đó, hoạ hoằn lắm mới mạt sát nhau, ngược đãi nhau và họ giữ
cho cuộc tranh luận ở trong một phương diện cao nhã y như các nhà bác
học danh tiếng nhất của thời đại chúng ta, nghĩa là trên phương diện tinh
thần, chỉ tìm tòi chân lí, không để tình cảm làm mê hoặc. Với lại Kapila
cũng khéo léo, không muốn gây rắc rối cho mình, chấp nhận ngay uy quyền
của các kinh Veda. Ông bảo: “Các kinh Veda đáng cho chúng ta tin và trọng
vì tác giả các kinh đó biết được cái chân lí đã xác định rồi”. Tuyên bố như
vậy rồi ông tiếp tục giảng thuyết của ông, chẳng hề nhắc tới kinh Veda nữa,
coi nó như không có.
Nhưng ông không phải là duy vật; trái lại ông duy tâm và duy linh theo
cách của ông. Ông cho chỉ nhờ tri giác mà có thực tại; chúng ta thấy vũ trụ
có hình thức như vậy, ý nghĩa như vậy là nhờ ngũ quan và ý tưởng của ta;
còn cái vũ trụ ở ngoài giác quan và suy tư của ta, cái vũ trụ đó ra sao, là
một vấn đề phiếm, vô nghĩa, không bao giờ có thể giải đáp được. Sau khi
đã kê hai mươi bốn Tattwa có thể sắp vào mục “biến hoá vật thể” rồi, ông
liệng bỏ chủ trương duy vật mới nẩy mầm đó mà đưa thêm cái Tattwa cuối
cùng nữa, kì cục nhất mà có lẽ quan trọng nhất, tức cái Purusha hoặc linh
hồn. Purusha không do cái Prakiti (tức cái sức mạnh thuộc vật thể) sinh ra
như hai mươi ba cái Tattwa kia; nó là một nguyên lí tâm linh, độc lập, phổ
hiện, và vĩnh cữu, tự nó không hoạt động được, nhưng lại là yếu tố cần thiết
cho mọi hoạt động. Vì cái Prakiti chỉ phát triển được, các Guna chỉ tác
động được nhờ cảm hứng của Purusha; thế giới vật thể được nguyên lí tâm
linh (nó bàng bạc trong vũ trụ, thấm nhuần mọi vật) truyền sinh khí cho mà
biến hoá. Về điểm đó, Kapila nói cũng như Aristote: “Tinh thần tác động
tới cái Prakiti tức cái thế giới đương biến hoá, cũng như đá nam châm hút
sắt. Nghĩa là cái Purusha bên cạnh cái Prakiti và buộc cái này phải sinh sản
ra. Sức hút đó gây ra sự sáng tạo; chỉ hiểu theo nghĩa đó thì mới có thể bảo
rằng Tinh thần là một nguyên động lực sáng tạo, dự vào sáng tạo”