Đời sống chập chờn như giọt nước trên một tàu sen… thời gian lừa gạt
chúng ta, đời trôi qua – vậy mà tia hi vọng không bao giờ tắt. Da nhăn, tóc
bạc, miệng móm, cây gậy run run trong tay, vậy mà con người vẫn nuôi
mầm hi vọng… Giữ tâm hồn bình tĩnh, quang minh… Chỉ có Vichnou ở
trong lòng anh, trong lòng tôi, trong lòng mọi người.
Nóng nảy, đổ quạu với tôi làm gì, vô ích. Chỉ nên xét mỗi cái tiểu ngã ở
trong cái Đại ngã, bỏ cái ý nghĩ phân biệt vật thể này vật thể khác đi.
*
* *
III. KẾT LUẬN VỀ TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ.
Thời suy vi – Tóm tắt – Phê bình - Ảnh hưởng.
Thịnh thời của triết học Ấn Độ chấm dứt khi bọn xâm lăng Hồi giáo vô cõi.
Hồi giáo trước hết, rồi tới Ki Tô giáo tấn công các tín ngưỡng Ấn, và triết
học Ấn muốn giữ thế thủ, lẩn tránh, nép mình trong thái độ thống nhất rụt
rè, cho sự tranh luận là nguy hại, làm cho các dị thuyết không phát triển
được mà do đó triết học mất sự phong phú. Triết thuyết Vedanta, thời
Shankara, muốn thành một tôn giáo cho các triết gia, nhưng khoảng thế kỉ
XII, một số tu sĩ như Ramanuja biến nó thành một thứ chính giáo thờ
Vichnou, Rama và Krishna. Không tự do phát biểu tư tưởng mới nữa, triết
học suy đồi lần lần, có tính cách kinh viện học cằn cỗi; nó chấp nhận các
giáo lí tu sĩ đưa ra, chỉ lo chứng minh chân lí bằng một thứ “lô-gích” không
hợp lí và cặm cụi phân tích, chấp nhận phần nào đúng, bác bỏ phần nào sai,
trăm người như một, chẳng phát minh được gì mới
Tuy nhiên, các tu sĩ Bà La Môn một phần vì ẩn cư, lánh xã hội, một phần vì