có đạo tâm là sống với ý thức rằng mình với vạn vật là nhất thể
“Người nào thấy vạn vật trong cái Ngã của mình và thấy cái Ngã của mình
trong vạn vật thì sẽ được an tĩnh. Sẽ không thất vọng, đau khổ nữa”.
Vài nét đặc biệt của triết học đó, mà triết gia Ấn dĩ nhiên không cho là
nhược điểm, đã làm cho triết học đó không ảnh hưởng lớn tới các nền văn
minh khác. Ngay phương pháp của nó, số triết ngữ có tính cách kinh viện
của nó và uy quyền nó gán cho các kinh Veda cũng đủ làm cho nó mất cảm
tình của các dân tộc mà tư tưởng xây trên những cơ sở khác, tách triết lí ra
khỏi tôn giáo. Thuyết Maya của triết học Ấn không khuyến khích người ta
giữ luân lí, tập những đức tích cực; thái độ bi quan của nó, mặc dầu có
thuyết Nghiệp báo, cũng không giảng được cái ác, và các triết hệ chúng tôi
đã trình bày ở trên đã một phần nào gây nên thái độ thản nhiên an phận của
người Ấn; thái độ đó đã tỏ ra bất lực, hoặc không đương đầu nổi với những
cái ác, cái hại vốn có thể chữa được, hoặc không làm nổi những công việc
lớn lao cần thiết. Nhưng phải nhận rằng những triết thuyết đó cho ta cái
cảm tưởng thâm thuý; khi so sánh với các triết thuyết hành động phát sinh
tại các xứ ít suy nhược thì thấy những triết thuyết này có vẻ hời hợt, nông
cạn. Có lẽ các triết hệ phương Tây của chúng ta, cho “tri thức là năng lực”
chỉ là âm hưởng của tiếng nói một thời thanh xuân xưa kia đầy sinh lực,
quá phóng đại khả năng của con người, quá khuếch trương khu vực của con
người. Trong cuộc chiến đấu hằng ngày với một thiên nhiên lãnh đạm, vô
tình, và với một thời gian cừu địch, ngày nay chúng ta bớt chỉ trích, chê bai
những triết thuyết Đông phương khuyên ta thuận thiên an mệnh đó. Cho
nên chính trong những thời đại trầm uất, suy tàn mà tư tưởng Ấn Độ ảnh
hưởng lớn nhất tới các nền văn hóa khác… Đương thời thịnh vượng, thắng
các xứ khác, Hi Lạp chẳng chú ý gì tới Pythagore hoặc Parménide; khi nó
suy vi thì Platon và các tu sĩ theo phái Orphée
vồ ngay lấy thuyết luân
hồi, còn Zénon “phương Đông” đề cao một triết thuyết an phận, thuận theo
định mệnh tựa như triết học Ấn Độ; rồi tới mạt vận của Hi Lạp, thì phái
Tân Platon, phái chủ tri (gnostic) tha hồ vay mượn của Ấn Độ. Khi Đế
quốc La Mã suy sụp làm cho châu Âu nghèo đi, rồi tới người Hồi làm chủ