các con đường giao thông từ Âu qua Ấn, hai sự kiện đó cơ hồ làm cho sự
trao đổi tư tưởng giữa Đông và Tây bị ngưng trệ trong ngàn năm. Nhưng
tới khi người Anh bắt đầu thống trị Ấn Độ, thì họ in và dịch ngay các bộ
Upanishad, làm kích thích tư tưởng phương Tây. Thuyết duy tâm của
Fichte sao mà giống thuyết của Shankara đến thế; chúng ta có thể nói rằng
Schopenhauer, đưa đạo Phật, các Upanishad và thuyết Vedanta vào triết
học của ông; còn Schelling về già cho các Upanishad chứa sự minh triết
thuần tuý nhất của nhân loại. Nietzsche chịu ảnh hưởng của thời Bismark
và của Hi Lạp lâu quá nên không quan tâm tới Ấn Độ, nhưng càng về
già ông càng coi trọng ý niệm “phản phục” (trở đi trở lại hoài) hơn tất cả
các ý niệm khác ông đã tạo ra, có thể nói là ông bị nó ám ảnh nữa – mà ý
niệm “phản phục” đó có khác gì thuyết luân hồi mấy đâu.
Ở thời đại chúng ta, phương Tây vay mượn của triết học phương Đông mỗi
ngày mỗi nhiều
, còn phương Đông thì càng ngày càng hướng về khoa
học phương Tây. Một thế chiến có thể làm cho phương Tây mở rộng cửa
tiếp nhận tín ngưỡng và triết học phương Đông nhiều hơn nữa, như thời đế
quốc Hi Lạp và Cộng hoà La Mã suy tàn xưa kia. Phương Đông càng ngày
càng cừu thị phương Tây, phương Tây lần lần mất các thị trường ở châu Á
đã bao lâu nay làm cho kĩ nghệ của họ phát triển mà thịnh vượng lên, rồi
đây sẽ suy nhược vì nghèo, vì cách mạng, các đảng phái tranh đấu với
nhau, tất cả những cái đó có thể làm cho châu Âu thành một khu đất sẵn
sàng tiếp nhận cái mầm một tôn giáo mới thất vọng về cõi trần mà tin
tưởng ở cõi thiên đường
. Châu Mĩ còn nhiều thành kiến, chưa chắc đã
chấp nhận giải pháp bi quan đó đâu: thái độ thanh tĩnh vô vi, thuận thiên an
mệnh không thích hợp với không khi cuồng nhiệt, hoặc với sinh lực dồi dào
của châu đó.