đoạn miêu tả lại rất hay. Đào và kép đóng trò rất tận tâm, không vội vàng
như đào kép phương Tây mà cũng không khoa đại như các đào kép Viễn
Đông. Cuối vở là một đoạn kết trong đó các đào kép cầu nguyện vị thần tác
giả sùng kính nhất hoặc vị thần nơi họ diễn, phù hộ cho quốc thái dân an.
Từ khi William Jones dịch rồi Goethe khen vở kịch Shakuntala của
Kalidasa thì vở đó thành vở nổi danh nhất của Ấn Độ. Nhưng chúng ta biết
tác giả chỉ là nhờ ba vở của ông và nhờ những huyền thoại thiên hạ kính
mộ loan truyền về ông. Hình như ông thuộc vào nhóm “Cửu châu”
chín thi sĩ, nghệ sĩ, triết gia tô điểm cho triều đình vua Vikramaditya (380-
413 sau Công nguyên) ở kinh đô Ujjain dưới triều Gupta
.
Hí kịch Shakuntala gồm bảy màn, một phần là văn xuôi, một phần là thơ
rất linh động. Sau đoạn mào trong đó ông bầu gánh hát mời khán giả ngắm
các cảnh đẹp thiên nhiên, thì màn vén lên, lộ một cảnh rừng thưa, nơi ở của
một tu sĩ với người con gái nuôi tên là Shakuntala. Có tiếng xe phá sự tĩnh
mịch của cảnh; vua Dushyanta xuống xe, và chớp nhoáng như trong tiểu
thuyết, nhà vua mê liền nàng Shakuntala. Trong màn I, ông cưới nàng rồi
thình lình có việc phải về kinh đô, ông bỏ thiếu phụ ở lại, dĩ nhiên là hứa hễ
xong việc thì trở lại liền. Một tu sĩ bảo thiếu phụ tội nghiệp bị bỏ rơi đó
rằng hễ còn giữ được chiếc nhẫn nhà vua thì nhà vua sẽ không quên, nhưng
một hôm đi tắm, nàng vô ý đánh mất nó. Sắp tới ngày sanh, nàng tới triều
đình, và hỡi ơi, nhận thấy rằng nhà vua đã quên mình rồi như đa số các đàn
ông đối với những phụ nữ dễ dãi với họ quá. Nàng rán làm cho vua nhớ lại
chuyện cũ.
Shakuntala. Hoàng thượng có nhớ hôm đó,
Dưới một bụi lài, hoàng thượng đã gạn vào lòng bàn tay chút nước mưa.
Đọng trên một tàu sen không?