Vậy mà nghe nó bập bẹ lòng ta mềm đi còn hơn là nghe tiếng nói.
Shakuntala ở trong lều bước ra, nhà vua xin lỗi nàng, và phong nàng làm
hoàng hậu, mối tình đã đứt nay nối lại. Cuối vở là một lời cầu nguyện kì dị,
rất đặc biệt:
Cầu mong các vị vua chúa chỉ lo hạnh phúc cho dân!
Cầu mong nữ thần Sarasvati đã tạo ra
Ngôn ngữ và nghệ thuật hí khúc,
Luôn luôn được các đại nhân, triết nhân thờ phụng!
Và xin vị hồng thần
Ban sinh lực cho khắp cả vũ trụ,
Phù hộ cho linh hồn tôi khỏi phải đầu thai nữa.
Sau Kalidasa, tuồng Ấn Độ không suy vi nhưng cũng không còn vở nào
sánh được với vở Shakuntala và vở Chiếc xe đất sét. Theo một truyền
thuyết không phải là ngẫu nhiên mà có, thì vua Harsha đã soạn ba vở hí
khúc được diễn đi diễn lại trong mấy thế kỉ. Trăm năm sau một người Bà
La Môn miền Berar, tên là Bhavabhuti soạn ba vở lãng mạn được coi trọng
gần ngang với các vở của Kalidasa. Nhưng văn của ông kiểu cách, tối tăm
tới nỗi chỉ một số rất ít thính giả hiểu nổi – và dĩ nhiên, ông lấy vậy làm
hãnh diện. Ông viết: “Những người phê bình tôi chẳng hiểu gì tôi cả. Tôi
có soạn kịch cho họ coi đâu. Nhưng, chắc chắn là ở nơi nào đó hiện nay đã
có, nếu không thì sau này sẽ có được vài người biết thưởng thức tôi; thời
gian thì dài mà thế giới thì rộng”.