Mới tiếp xúc lần đầu với nghệ thuật Ấn, chúng ta khó mà thưởng thức được
hết cái hay, cái đẹp của nó: nhạc thì có vẻ kì cục, hoạ thì tối tăm, kiến trúc
thì hỗn độn mà điêu khắc thì kì quá. Mỗi lúc ta phải nhớ lại rằng giám thức
của mình là cái gì không vững, không chắc chắn, do truyền thống cùng ảnh
hưởng của xã hội chung quanh gây nên, mà xã hội này luôn luôn hẹp hòi,
có thiên kiến, như vậy khi phán đoán các dân tộc khác hoặc phê bình nghệ
thuật của họ theo tiêu chuẩn, thành kiến của mình luôn luôn khác hẳn của
họ, thì làm sao khỏi bất công với họ được.
Ở xứ nào cũng vậy, mới đầu một thợ thủ công cũng là một nghệ sĩ, rồi mãi
sau tinh thần mới thay đổi, thợ thủ công không sản xuất một nghệ phẩm
nữa, chỉ chế tạo những đồ dùng tầm thường, coi công việc của mình là một
cực hình. Sau trận Plassey
, xứ Ấn thoi thóp, nhưng trước kia, ở Ấn
cũng như ở châu Âu thời Trung cổ, mỗi người thợ thủ công là một nghệ sĩ,
món vật nào cũng có nét khéo riêng của người chế tạo. Ngày nay cũng vậy,
tuy đâu đâu nhà máy cũng mọc lên thay thế các xưởng công nghệ, mà địa
vị của thợ thủ công tụt xuống hàng lao công, nhưng tại các châu thành Ấn
vẫn còn vô số cửa hàng nhỏ đầy nghẹt các thợ cặm cụi chạm trổ, làm các
đồ trang sức, vẽ, thêu, dệt, hoặc làm các đồ bằng gỗ, bằng ngà. Có lẽ không
có một dân tộc nào khác mà các nghệ thuật thủ công phồn thịnh bằng Ấn
Độ.
Có điều này hơi lạ là đồ gốm ở Ấn chưa bao giờ đạt tới mức nghệ thuật;
chế độ tập cấp cấm dùng hai lần một món đồ để chứa (bát, chén, bình…)
trừ vài trường hợp đặc biệt vì vậy mà thợ làm gốm chỉ làm qua loa dùng
tạm được thì thôi, tô điểm làm chi cho uổng công. Chỉ khi nào đồ dùng
vàng hay bạc, như chiếc bình bạc ở Tanjore, hiện nay bày ở Victoria
Institute tại Madras, hoặc cái khay đựng trầu bằng vàng ở Kandy, thì thợ
thủ công mới chịu gắng sức làm cho có mĩ thuật. Có vô số đồ dùng làm
bằng đồng đập
: cây đèn, chén, các thứ bình; một hợp kim màu xám đen
tên là bidri, mà phần chính là kẽm, dùng để làm các hộp, chậu lớn, khay;