đứng trước Ngài là Da Du Ðà La và La Hầu La, tức vợ và con của Ngài
Mặc dầu bị huỷ hoại như vậy, hang số I còn giữ được nhiều bức rất đẹp.
Trên một bức tường, ta thấy hình có lẽ của một vị Bồ Tát, nghĩa là một vị
đắc đạo, được lên Niết Bàn nhưng không lên mà tự ý đầu thai hoài để cứu
vớt nhân loại. Chưa bao giờ cái vẻ u sầu của sự giác ngộ lại được vẽ bằng
những nét mạnh mẽ như vậy, nhìn tranh ta phải tự hỏi bức hoạ đó so với
bức phác hoạ đầu Chúa Ki Tô trong công việc dự bị cho bức tranh La
Cène
của Léonard de Vinci, bức nào đẹp hơn. Trên một bức vách khác
cũng trong đền đó, vẽ Shiva với vợ là Parvati, cả hai đều đeo đầy châu báu.
Gần đó là bốn con hoẵng, trông nét vẽ cũng thấy lòng các Phật tử yêu loài
vật ra sao; trên trần là một bức tranh hoa điểu, nét rất khéo. Trên một bức
vách trong hang XVII, là một bức nay đã mất một nửa, vẽ thần Vichnou và
đám tuỳ tùng từ trên trời bay xuống dự một đại sự nào đó trong đời Phật
Tổ; trên một bức vách khác, là bức chân dung một công chúa với các thị
nữ, tuy có màu nhưng sơ lược. Lẫn lộn với các danh phẩm đó, là những bức
lộn xộn, tầm thường vẽ tuổi xuân của Phật Tổ với lúc Ngài bỏ gia đình ra
đi, lúc Ngài bị Ma vương quyến dỗ mà chống lại được.
Vì hiện nay chỉ còn lại một số ít hoạ phẩm, nên chúng ta khó mà phê phán
một cách công bình được, không thể đoán đúng được hồi xưa công trình đó
ra sao; nhất là một người ngoại quốc thì thế nào cũng thiếu ít nhiều yếu tố
để nhận định cho đúng. Nhưng một người phương Tây dù ít kiến thức tới
mấy, cũng không thể nào không xúc động trước tính cách cao thượng của
đề tài, vẻ tôn nghiêm của chí hướng nghệ sĩ, sự nhất trí trong bố cục, sự
sáng sủa, giản dị, rõ ràng của nét vẽ, nhất là cái tài vẽ các bàn tay thì khéo
léo lạ lùng, mà bàn tay là cái khó vẽ nhất, đã làm cho bao nhiêu hoạ sĩ vấp
váp. Ta thử tưởng tượng một vị sư nghệ sĩ nào đó
, đã quán tưởng trong
các trai phòng đó rồi vẽ lên các bức vách và các bức trần kia, lòng tràn
ngập một niềm mộ đạo ra sao, vào cái thời mà châu Âu đương chìm đắm
trong cảnh tối tăm ở đầu thời Trung cổ. Ở Ajanta, quả là tinh thần tôn giáo