của họ nhiều màu sắc hơn nhưng thiếu cái vẻ huyền bí; ít khi họ tìm hứng
trong tôn giáo hoặc thần thoại; họ thực tế và vẽ đúng cảnh thực trên cõi trần
nhưng thận trọng, không muốn làm phật ý ai. Họ vẽ nhiều nhất là chân
dung các nhà quí phái mà đức khiêm tốn không phải là đức chính; các vị
đại thần đều ngồi cho họ vẽ, tới nỗi Jehangir, ông vua ham chơi tranh, một
hôm nhận ra rằng các phòng tranh của mình đầy những chân dung của các
vua chúa, các đại thần trong triều ông và triều các tiên vương từ Akbar trở
xuống. Chính Akbar là ông vua đầu tiên khuyến khích các hoạ sĩ; theo
Abu-I-Fazl thì cuối đời ông, ở Delhi có cả trăm hoạ sĩ và cả ngàn người
chơi tranh. Nhờ sự bảo trợ sáng suốt của Jehangir, nguồn hứng mở rộng ra,
hoạ sĩ chẳng vẽ riêng chân dung nữa mà còn vẽ thêm phong cảnh, các cuộc
săn bắn, nếu vẽ người thì cũng vẽ thêm thiên nhiên làm bối cảnh. Chẳng
hạn một bức vẽ nhà vua đi săn, một con sư tử nhảy chồm lên mông con voi,
móng suýt quào vào da thịt vua, trong khi một vệ sĩ co giò chạy. Dưới triều
vua Jehan, nghệ thuật lên tới tột đỉnh rồi bắt đầu suy; cũng như trường hợp
ấn hoạ ở Nhật, nghệ thuật khi đã phổ biến trong dân chúng, số người chơi
tranh tăng lên nhiều, hoạ sĩ muốn thoã mãn nhu cầu đó, phải vẽ vội và
chiều thị hiếu của khách hàng nên nghệ thuật kém sút. Rồi tới thời Aureng-
Zeb, nhà vua lại bắt phải tôn trọng luật Hồi giáo, cấm vẽ hình người và loài
vật, thì ngành hoạ tàn tạ.
Nhờ sự bảo trợ rộng rãi và thông minh của các vua Mông Cổ, các hoạ sĩ ở
Delhi được biết một thời vàng son mà suốt mấy thế kỉ, những người đi
trước họ không được hưởng. Hiệp hội hoạ sĩ có từ thời Phật giáo, lúc đó hồi
xuân lại, và một số hoạ sĩ lưu danh lại được, chứ không bị coi thường nữa,
vì người Ấn có tục khinh cá thể, chỉ chú ý tới tác phẩm chứ không cần biết
tác giả. Trong số mười bảy hoạ sĩ mà mọi người cho là có tài nhất ở triều
đại Akbar, thì mười ba nhà gốc Ấn. Hoạ sĩ vẽ cho triều đình Đại đế Mogol,
được nhà vua mến nhất, là Dasvanth. Ông vốn thuộc dòng ti tiện, cha làm
phu khiêng kiệu, nhưng nhà vua không vì vậy mà không trọng đãi. Hồi trẻ,
tính tình ông kì cục: bất kì ở đâu cũng vẽ, hễ có mặt phẳng nào là vẽ lên.
Akbar nhận thấy thiên tài của ông, đem về cung, bảo hoạ sư của mình dạy