và cái tháp (vivana), ở trong có điện, tức phòng hội họp chính. Trừ ít lệ
ngoại, như lâu đài Tirumala Nayyak ở Madura, kiến trúc phương Nam gồm
toàn những đền chùa, những nơi thờ phụng. Người Ấn xây nhà để ở thì qua
loa, sao cũng được, nhưng hễ làm gì cho tu sĩ và cho thần thánh thì họ dùng
hết tài năng, không tiếc công. Điều đó cho ta thấy rõ hơn điều nào hết rằng
chế độ thần quyền là chế độ phổ thông ở Ấn. Trong số bao nhiêu công trình
kiến trúc xây cất dưới triều đại các vua Chalukyan, ngày nay chỉ còn lại các
ngôi đền. Chỉ một người Ấn mộ đạo, học rộng mới có đủ dụng ngữ phong
phú để miêu tả, tán thưởng sự cân đối tuyệt đẹp của chính điện Ittagi ở
Hyderabad
, hoặc đền Somnathpur (tiểu quốc Mysore) trong đó ta thấy
những khối đá vĩ đại chạm trổ như hàng ren (đăng-ten: dentelle), hoặc đền
Hoyshaleshwara ở Halebid, cũng trong tiểu quốc Mysore, mà Fergusson
khen là “ai muốn biện hộ cho môn kiến trúc Ấn thì có thể kể ngôi đền đó để
dẫn chứng mà thuyết phục”. Ông lại nói thêm: “Chúng ta thấy ở đó các
đường thẳng đứng và bình hành phối hợp với nhau một cách rất đẹp, thấy
chỗ sáng và chỗ tối được phân phối một cách tài tình, tới nỗi toàn thể hơn
hẳn tất cả những công trình đẹp nhất của nghệ thuật gô-tích. Các kiến trúc
sư châu Âu thời Trung cổ cũng muốn đạt được kết quả đó, gây cho ta ấn
tượng đó, nhưng không bao giờ họ thành công hoàn toàn như ở Halebid”.
Chúng ta phải phục lòng mộ đạo của các người thợ đã đục một trăm bảy
chục mét vuông trụ ngạch (frise) trong đền Halebid thành hình hai ngàn
con voi, không con nào giống con nào. Rồi sự kiên nhẫn, hùng tâm để đục
cả một ngôi đền trong lòng núi, mới đáng sợ chứ! Mà đó là công việc
thường làm của các thợ thủ công Ấn. Ở Mamallapuram, trên bờ biển phía
Đông, gần Madras, họ đã “đục đẽo” như vậy nhiều ratha, tức ngôi chùa,
đẹp nhất là chùa Dharma-raja-ratha, tức tu viện Kỉ luật tối cao. Ở Ellora,
nơi hành hương danh tiếng của tiểu quốc Hyderabad, các tín đồ đạo Phật,
đạo Jaïn và Ấn giáo chính thống đã ganh đua nhau đục ngay trong núi
thành những đền lớn bằng nguyên một khối đá, đẹp nhất là chánh điện đền
Ấn giáo Kailasha; Kailasha là tên trỏ thiên đường trong thần thoại về Shiva,
mà người Ấn đặt ở trên núi Hymalaya. Ở đây, các thợ Ấn quả là không biết