vua Jehan. Ở Fathpur Sikri, các kiến trúc sư của ông xây cất một châu
thành dung hoà được sự mạnh mẽ của các vua Mongol đầu tiên với sự
phong nhã của các vua cuối cùng. Những bực thang lớn đưa tới một cửa
chính đồ sộ bằng sa thạch đỏ, thông với một dãy tường vây quanh đầy
những công trình mĩ thuật. Phần quan trọng nhất là một điện thờ nóc tròn,
nhưng đẹp nhất thì phải kể ba cái đình (pavillon), nhà vua dựng cho ba bà
sủng phi, với ngôi mộ bằng cẩm thạch trắng xây cho bạn thân của ông, hiền
triết Salim Chisti; ở đó ta thấy lần đầu tiên sự khéo léo của nghệ thuật chạm
trổ làm cho ta nhìn vào đá mà tưởng như một tấm ren; nghệ thuật đó đạt tới
tuyệt đỉnh ở lăng Taj Mahal.
Vua Jehangir không làm cho ngành kiến trúc của dân tộc ông tiến thêm
được bước nào, nhưng con của ông, vua Jehan vì mê xây cất các cung điện
đẹp mà nổi danh cũng gần bằng Akbar. Jehangir rộng rãi với các sủng phi
bao nhiêu thì Jehan rộng rãi với các nghệ sĩ bấy nhiêu. Cũng như các vua ở
Bắc Âu, ông cho vời các nghệ sĩ ở Ý tới dạy cho thợ thủ công Ấn nghệ
thuật nhận bảo thạch vào đá hoa cương thành một thứ đồ khảm nhiều màu,
đó là kiểu trang hoàng chính yếu dưới triều đại ông. Jehan không có tinh
thần tôn giáo, vậy mà ông cũng sai xây cất những thánh đường đẹp nhất
của Ấn Độ, thánh đường Juma Masjid, tức thánh đường Ngày thứ sáu
(trong tuần) ở Delhi, và thánh đường Moti Masjid, tức thánh đường Trân
Châu ở Agra.
Ở Delhi và Agra, Jehan cũng xây cất những “thành” tức những cung điện
chung quanh có thành luỹ che chở. Ở Delhi ông sai phá các cung điện màu
hồng của Akbar, chê là xấu xí, và cất những cung điện khác mà một số coi
gớm ghiếc, lộn xộn, một số khác lại vào hàng đẹp nhất thế giới.
Đây là chính điện, chỗ nhà vua thiết triều, rực rỡ những bức khảm theo kiểu
Florence trên một nền cẩm thạch đen; trần, cột và cửa tò vò đều chạm trổ
như một bức ren, có một vẻ đẹp mảnh mai không sao bắt chước nổi; đây là
điện riêng của nhà vua mà trần dát vàng và bạc, cột chạy những đường chỉ