cuồng nhiệt chủ trương một tôn giáo chấp nhất, nghiêm khắc, cho nghệ
thuật là sùng bái bậy bạ, là phù phiếm. Ngay thời vua Jehan, đã có lệnh
cấm xây cất đền Ấn, tới thời Aureng-Zeb, đã không bãi bỏ lệnh đó mà còn
không bảo trợ khuyến khích công việc xây giáo đường Hồi, thành thử nghệ
thuật Hồi cũng khô héo lần, rồi khi ông ta mất thì nghệ thuật cũng chết
theo.
Khi chúng ta rán bao quát toàn thể lịch sử kiến trúc Ấn và sự biến chuyển
của nó, thì chúng ta thấy hai chủ đề rõ rệt: một dương, cương, tức Ấn, một
âm, nhu, tức Hồi; và cả khúc hoà âm dựng trên hai chủ đề đó. Bao giờ cũng
vậy, trong các tác phẩm nổi danh nhất về loại đó, mới đầu, sự hoà âm còn
chát chúa, thình lình, rồi sau mới có những âm điệu tế nhị, cho nên trong
lịch sử kiến trúc Ấn, sau các công trình hùng tráng mà thiên tài của dân tộc
Ấn đã dựng nên ở Bodh-Gaya, ở Bhuvaneshwar, ở Mudra và Tanjore,
chúng ta thấy xuất hiện sự duyên dáng, điều hoà của kiểu thức Mông Cổ ở
Fathpur-Sikri, ở Delhi, ở Agra, và sau cùng hai chủ đề đó lẫn lộn với nhau.
Có người bảo rằng người Mông Cổ xây cất đồ sộ rồi trang hoàng tỉ mỉ như
thợ kim hoàn; câu đó áp dụng vào toàn thể kiến trúc Ấn thì có phần đúng
hơn: người Ấn đã khởi công đồ sộ rồi người Mông Cổ hoàn thành một cách
tỉ mỉ. Kiến trúc Ấn làm cho ta ngộp vì khối vĩ đại của nó, kiến trúc Hồi làm
cho ta phục vì chi tiết của nó : kiến trúc Ấn biểu hiện sức mạnh, kiến trúc
Hồi biểu hiện sự toàn mĩ: người Ấn ưa sự hăng say và sự phong phú, người
Hồi thích sự thanh nhã, từ tốn. Người Ấn đắp, đục đầy tượng trên đền đài
của họ tới nỗi ta không biết đó là công trình kiến trúc hay công trình điêu
khắc nữa; người Hồi trái lại, ghét hình người, hình vật mà chỉ trang sức
bằng hình hoa và đường nét hình học. Người Ấn là những nhà kiến trúc-
điêu khắc gô-tích của một thời Trung cổ Ấn; người Hồi là những nghệ sĩ
một thời Phục hưng đưa ra ngoại quốc
. Xét chung thì kiến trúc Ấn đã
đạt những đỉnh cao về phương diện hùng tráng hơn là đẹp; suy nghĩ kĩ thì
ta thấy thành Delhi và lăng Taj Mahal, so với Angkor và Borobudur, cũng
như những bài thơ trữ tình so với những ca kịch thâm thuý, cũng như
Pétrarque so với Dante, Keats so với Shakespeare, Sappho so với Sophocle.