Có thật vậy không, bóng đêm khi thấy em, thì sương rớt xuống như lệ, còn
ánh sáng ban mai tưng bừng bao phủ thân em?
Có thật là lòng anh đã tìm em từ hồi khai thiên lập địa, trong khắp vũ trụ?
Rồi tới khi gặp em, nghe giọng nói, ngắm cặp mắt, làn môi, mớ tóc xoã của
em, lòng anh đã dịu xuống?
Và còn điều này nữa, có thật là cái bí mật của Vô biên ở trong vừng trán
nhỏ của em không?
Tất cả những cái đó có thật không anh, nói cho em nghe đi.
Những bài thơ đó có nhiều đặc sắc
; trước hết là một lòng ái quốc nồng
nàn tuy kín đáo; một lòng hiểu biết ái tình và phụ nữ, thiên nhiên và đàn
ông một cách tế nhị mà thường đàn bà mới có; tình cảm và bút pháp rất tao
nhã làm cho ta nhớ tới các thi sĩ Tennyson
; sau cùng tác giả đã hiểu
thấu đáo triết học Ấn. Nếu ai có dám trách ông thì có thể trách rằng bài nào
cũng đẹp, đầy lí tưởng và có giọng âu yếm, thành thử đọc thấy đơn điệu.
Trong thơ ông, phụ nữ bao giờ cũng thấy quyến rũ, đàn ông bao giờ cũng
điên cuồng mê đàn bà, ham chết hoặc tôn sùng Thượng Đế; thiên nhiên đôi
khi đáng sợ, nhưng luôn luôn vĩ đại, không bao giờ hoang lương hoặc xấu
xí
. Có lẽ truyện nàng Chitra chính là truyện của ông: sau một năm yêu
nhau, tình nhân của nàng là Arjuna chán nàng vì nàng lúc nào cũng hoàn
toàn đẹp; chỉ sau khi nàng đã hết đẹp thành một người đàn bà khoẻ mạnh,
cương nghị, làm mọi công việc lặt vặt hằng ngày thì chàng mới yêu nàng
lại; đó chẳng phải là hình ảnh các cuộc hôn nhân hạnh phúc ư? Tagore có
lần tự thú tật của mình một cách ý nhị, dễ thương:
Em ơi, thi sĩ của em định viết một anh hùng trường ca.