Một người gần năm chục tuổi chưa hề biết một tiếng Anh mà rồi viết tiếng
Anh hay được như vậy, thì phá một vài cái hàng rào ngăn cách Đông với
Tây đâu phải là chuyện khó. Một thi sĩ khác nguyền rủa sự thống trị của
phương Tây, vì từ khi Tagore mới chào đời, phương Tây đã xâm nhập
phương Đông bằng mọi cách và đương làm thay đổi lần lần tất cả đời sống
phương Đông. Một hệ thống gồm gần năm chục ngàn cây số xe lửa đã bao
quanh các sa mạc và cao nguyên của Ấn và làm cho mỗi làng thay đổi bộ
mặt; điện tín và báo chí đã đem tin tức của một thế giới đương biến chuyển
lại cho những người quan tâm tới thời cuộc, các trường học Anh dạy tiếng
Anh để tạo những công dân Anh đã vô tình tiêm cho học sinh những ý
tưởng dân chủ, tự do của Anh.
Bị điêu đứng, cùng quẫn ở thế kỉ XIX, vì súng Anh tốt hơn, máy dệt của
Anh sản xuất mạnh hơn, bây giờ Ấn Độ đã miễn cưỡng chịu theo chính
sách kĩ nghệ hoá vậy. Ngành thủ công chết, xưởng máy mỗi ngày mỗi mọc
thêm. Ở Jamsetpur, công ty “Tatar Iron and Steel” dùng 45.000 thợ và
muốn truất ngôi bá chủ của Mĩ về ngành sản xuất thép. Sức sản xuất than
của Ấn cũng đương tiến mạnh; chỉ trong một thế hệ nữa, Trung Hoa và Ấn
có thể khai thác lấy các mỏ nhiên liệu và nguyên liệu cần thiết cho kĩ nghệ
và về điểm đó, vượt được sức sản xuất của Âu và Mĩ. Các tài nguyên đó dư
để thoả mãn nhu cầu trong nước, sẽ có thể cạnh tranh với phương Tây trên
thị trường thế giới; các cường quốc xâm lăng châu Á rồi đây sẽ mất chỗ
tiêu thụ hàng hoá; sự thịnh vượng của họ sẽ suy lần và bị các nước nhân
công rất rẻ cạnh tranh gay gắt.
Ở Bombay, nay vẫn còn những xưởng lạc hậu như ở giữa triều đại nữ
hoàng Victoria
, trả cho thợ những số lương hồi xưa mà bọn Tory
thấy phải thèm thuồng
. Chủ nhân ông xưa là Anh, bây giờ là Ấn và
bóc lột đồng bào họ cũng tàn nhẫn như bọn cá mập châu Âu, chứ không
kém.