Will Durant
Lịch sử văn minh Ấn Độ
Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
Chương I (tt)
V. TÔN GIÁO TRONG CÁC KINH VEDA
Tôn giáo tiền Veda – Các thần linh thời Veda – Thần thánh và luân lí –
Truyện khai thiên lập địa - Linh hồn bất diệt – Giết ngựa tế thần
Tôn giáo cổ nhất của Ấn Độ hiện nay chúng ta được biết là tôn giáo mà
người Aryen thấy dân tộc Naga theo khi họ mới xâm chiếm Ấn Độ, tôn
giáo đó hiện nay còn sót lại trong vài nơi hẻo lánh. Hình như nó gồm một
số tín ngưỡng về linh hồn, về vật tổ. Người Naga thờ vô số thần: thần đá,
thần cây, thần gấu, thần cọp, thần sông, thần núi, thần tinh tú. Rắn cũng là
những thần tượng trưng cho sức truyền chủng của giống đực, và cây bồ đề
của Phật giáo là di tích của sự tôn sùng các cây cao bóng cả rất phổ biến ở
Ấn Độ thời thượng cổ. Naga là rồng thần, Hanuman là thần khỉ, Nandi là
bò mộng thần, Yaksha là cây thần, hết thảy các thần thời tiền sử đó đều
được tôn giáo Ấn Độ giữ lại trọn để thờ. Có thần thiện mà cũng có thần ác.
Muốn khỏi bị các thần ác ám, hành hạ làm hoá điên, hoá đau thì phải dùng
phương thuật, do đó mà kinh Atharva-veda chép rất nhiều bài chú. Phải đọc
thần chú để có con, để khỏi sẩy thai, để sống lâu, để khỏi bị tai nạn bệnh
tật, để ngủ được, để diệt được hoặc để làm nản lòng kẻ thù.
Các vị thần đầu tiên trong các kinh Veda là các sức mạnh thiên nhiên: trời,
mặt trời, đất, lửa, ánh sáng, gió, nước và sinh thực khí. Thần Dayus (tức
như thần Zeus của Hi Lạp và thần Jupiter của La Mã), mới đầu chính là
trời, và tiếng sanscrit deva [nguồn gốc của tiếng Pháp divin] kì thuỷ chỉ có
nghĩa là rực rỡ. Rồi người ta nhân cách hoá những vật đó mà cho có thi vị
và tạo ra vô số thần: chẳng hạn như trời thành cha: Varuna, đất thành mẹ:
Prithivi, trời đất giao hoan với nhau, sinh ra mây mưa, nhờ mưa mà có thảo
mộc. Chính mưa cũng là một vị thần: Parjanya, Agni là thần lửa, Vayu là